Nghệ An:
Người tiên phong trong xã nuôi nai lấy nhung, có thu nhập "khủng"
(Dân trí) - Mô hình nuôi nai lấy lộc ở Nghĩa Đàn, Nghệ An đơn giản nhưng mang lại thu nhập "khủng", mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân ở vùng đất đỏ bazan này.
Với nhiều ưu điểm vượt trội như dễ nuôi, không mất nhiều công chăm sóc và ít dịch bệnh, ông Lê Văn Biểu, ở làng Canh Yên (xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) là người tiên phong của địa phương này đã mạnh dạn đầu tư nuôi nai lấy lộc (nhung) để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.
Ông tình cờ được biết ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) có phong trào nuôi nai lấy nhung phát triển mạnh, nhiều hộ gia đình có kinh tế ngày càng khá giả. Sẵn có đất đai rộng và từng học qua lớp thú y, cuối năm 2020, ông Biểu đã đi tham quan, học tập về mô hình. Ông mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại để nuôi thử nghiệm 7 con nai trưởng thành, trong đó có 5 con đực và 2 con cái.
Sau hơn 7 tháng nuôi, các cá thể đực 4 năm tuổi đã cắt được 6-8kg nhung. Giá nhung nai hiện nay dao động từ 7-10 triệu đồng/kg. Mỗi năm, trừ các chi phí khác, đàn nai của ông cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
"Nuôi nai rất nhàn, nhưng lợi nhuận cao hơn nuôi dê, bò. Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng nai có thể nuôi trong chuồng trại vẫn sinh sản bình thường và chúng phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng và khí hậu vùng trung du. Trong thời gian tới, tôi tính sẽ tăng thêm đàn, mở rộng trang trại chăn nuôi…", ông Biểu chia sẻ.
Theo ông Biểu, nuôi nai không khó vì vốn đầu tư và công sức bỏ ra ít nhưng thu nhập cao. Thức ăn cho nai rất dễ tìm như cỏ và các loại lá cây: Sung, mít, bưởi, xoan... Ngoài lá cây, ông cho ăn bổ sung thức ăn tinh như: Cám ngô, lúa, đậu. Chế độ ăn uống của nai cũng ít, ngày cho ăn 2 lần vào giữa buổi sáng và chiều tối để nai ăn đêm bởi đặc tính thích ăn đêm của chúng.
Ông Biểu cũng chia sẻ về kinh nghiệm về việc nuôi nhốt nai, trong đó phải chú ý chuồng trại. Chuồng trại rất đơn giản, xây tường hoặc dùng lưới B40 hoặc hàn các ô sắt bao quanh, có mái che mưa, nắng.
"Chúng ta thường ngăn ô, mỗi ô khoảng 8-10m2 nhốt một con tránh để nai húc nhau. Đặc biệt, so với các loại gia súc khác, nai rất ít bệnh nhưng phải giữ cho chuồng trại luôn sạch sẽ. Nguồn thức ăn, nước uống đảm bảo nhằm tránh bệnh long móng, lở mồm. Tuy nhiên, người nuôi phải chú ý là các con đực rất hung hăng trong mùa động đực nên có thể húc nhau làm gãy sừng, hư hỏng chuồng trại và có thể húc cả người", ông Biểu nói.
Thông thường nai khoảng 4 năm tuổi bắt đầu cho thu hoạch nhung, nhưng tùy vào độ tuổi nai mà trọng lượng nhung tăng cao lên. Nai trưởng thành mỗi lần cho khoảng 1,4-1,6kg nhung và việc thu hoạch thường vào tháng 8 và tháng 11 Dương lịch.
Nhưng để đảm bảo sức khỏe cho đàn nai, chỉ nên cắt nhung một lần vào tháng 11. Muốn có được một cặp nhung chất lượng cao, nên bồi dưỡng cho nai khoảng 1-2 tháng trước khi nhung bắt đầu nhú, giai đoạn này người nuôi cần cung cấp nhiều loại thức ăn, các loại cây và lá có mủ như: Sung, chuối, mít…
"Vòng đời của nai khoảng 30 năm, nếu chăm sóc tốt vẫn có thể thu hoạch nhung 2 lần/năm. Nhưng để đảm bảo sức khỏe cũng như chất lượng nhung thì nên thu một lần là tốt nhất", ông Biểu chia sẻ thêm.
Nghĩa Yên là một xã thuần nông của huyện Nghĩa Đàn, thời gian qua nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng chất lượng cao nên đã có nhiều nông dân mạnh dạn tiên phong trong việc đưa các giống cây, giống con mới vào sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên, cho biết: "Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay đã có nhiều mô hình mới như mô hình trồng nho ở Hạ Đen, mô hình nuôi dế, mô hình nuôi nai lấy nhung của gia đình ông Biểu, bước đầu đã cho thu nhập và mang lại hiệu quả cao".
Tuy mới nuôi trong thời gian ngắn, nhưng hiệu quả của việc nuôi nai lấy nhung của gia đình ông Lê Văn Biểu đã đem lại hiệu quả kinh tế, là bước đi mới cho mô hình phát triển kinh tế vươn lên làm giàu được nhiều người dân trong và ngoài huyện biết và tìm đến học tập.
Đây là một trong những mô hình điểm cho phát triển kinh tế của xã Nghĩa Yên nói riêng và huyện Nghĩa Đàn nói chung.