Bình Định:
Nín thở, bặm môi khiêng chậu, chị em làng mai kiếm tiền triệu tiêu Tết
(Dân trí) - "Trời nắng thì làm mệt, trời mưa thì ruộng lầy lội, khiêng mai, đẩy xe cực lắm, nhưng dịp Tết mà có đồng ra đồng vào là phấn khởi nên mệt mấy cũng cố gắng làm", bà Hương, người khiêng mai thuê tâm sự.
Những ngày cuối năm, nhiều phụ nữ ở các làng mai lớn nhất miền Trung lại tất tả mưu sinh với nghề khiêng mai thuê kiếm tiền tiêu Tết.
Theo người dân ở làng mai lớn nhất miền Trung (tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), bắt đầu từ tháng 12 âm lịch, thương lái khắp nơi đổ về các làng mai, cũng là lúc những phụ nữ nơi đây tất tả với nghề khiêng mai thuê.
Dùng xe rùa đẩy những chậu mai nặng 40 - 50 kg từ dưới ruộng lên đường lớn rồi khiêng lên xe tải cho thương lái, bà Nguyễn Thị Cúc (55 tuổi, thôn Háo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) cho hay, đầu vụ không có thương lái đến mua vì dịch bệnh Covid-19, nên có ngày chẳng có ai gọi đi khiêng mai. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, thương lái vào mua tấp nập, bà Cúc tất bật làm việc từ sáng tới tối.
Theo bà Cúc, tùy từng chậu mai lớn hay nhỏ, khoảng cách từ ruộng lên điểm xe tải đậu để bốc mai xa hay gần mà giá mỗi chuyến thồ mai khác nhau. Bình quân, công khiêng mai khoảng 10.000 - 15.000 đồng/chậu, chủ vườn chịu tiền này, còn khiêng mai lên xe tải thì thương lái chịu thêm 10.000 đồng/chậu. Tính ra một chậu mai người khiêng được 20.000 - 25.000 đồng.
"Ngày nào khiêng được nhiều, khoảng 50-60 chậu, thì tính ra giá ngày công rất cao so với mức thu nhập của lao động nữ ở nông thôn. Song cũng không dễ dàng gì, bởi đưa một chậu mai từ ruộng lên, rồi lại đưa lên xe tải, mệt bở hơi tai. Có những ruộng lầy, phải gồng mình đẩy xe, thậm chí, phải gọi 2-3 người phụ giúp", bà Cúc nói khi bặm môi, nín thở đẩy xe vượt qua một đoạn dốc cao.
Cùng trong đội khiêng mai thuê với bà Cúc, bà Nguyễn Thị Hương (60 tuổi, thôn Háo Đức) cho biết, trời nắng làm mệt, trời mưa thì ruộng lầy lội, vận chuyển được chậu mai lên cũng cực, nhưng dịp Tết mà có đồng ra đồng vào là phấn khởi rồi nên mệt mấy, chị em cũng cố gắng làm.
Ông Phan Long Hùng - Chủ tịch UBND xã Nhơn An, địa phương trồng mai chủ lực tại thị xã An Nhơn với 5 làng nghề trồng mai truyền thống, số lượng đến trên triệu cây cho hay, tới ngày hôm nay, toàn bộ các hộ trồng mai trên địa bàn xã đã bán được trên 40 tỷ đồng, trong khi năm ngoái, tổng lượng hàng bán chỉ đạt 36 tỷ đồng.
"Đầu vụ, do dịch bệnh Covid-19 nên thương lái mua rất ít. Tuy nhiên vài ngày trước, xe tải tấp nập cả ngày lẫn đêm. Lý do, các tỉnh ngoài phía Bắc mở cửa cho bán mai nên thương lái chỉ cần điện thoại, nhà vườn chụp ảnh mai gửi qua zalo là thương lái chốt hàng và vào vận chuyển mai ngay", ông Hùng chia sẻ.
Theo Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, khởi đầu vụ thì bán hơi khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng đến thời điểm hiện tại, thị trường lại rất khả quan. Một số vùng không phải vùng mai chủ lực như xã Nhơn Hậu vẫn bán rất mạnh. Đặc biệt, trước đây, thị trường bán mai truyền thống thường là ra phía Bắc và đổ vào Nam, còn năm nay, nhiều thương lái ở Gia Lai, Kon Tum (hướng Tây Nguyên) về xã Nhơn Hậu mua mai chở đi rất nhiều.
Thị xã An Nhơn có hơn 1.500 hộ dân tại các xã, phường như Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Hưng, Nhơn Hậu… trồng khoảng 1,6 triệu chậu mai Tết nên được mệnh danh là "thủ phủ mai vàng miền Trung". Doanh thu mỗi vụ mai Tết của thị xã An Nhơn những năm gần đây ước đạt khoảng 80 - 100 tỷ đồng.