Những thay đổi quan trọng về chế độ BHXH từ năm 2016
Luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 với nhiều điểm mới về đối tượng tham gia, cách tính lương hưu, quyền lợi của người lao động... Các nội dung sửa đổi đều hướng tới bảo đảm tốt hơn quyền về an sinh xã hội của người lao động và công bằng xã hội, đồng thời có tính tới khả năng cân đối quỹ BHXH.
Thay đổi cơ bản và lớn nhất là quy định người lao động được quản lý sổ BHXH của mình trong thời gian đóng BHXH để theo dõi quá trình đóng - hưởng BHXH
Thêm 3 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Theo Luật BHXH 2014, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng đến người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Luật cũng bỏ quy định giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện và hạ mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) xuống bằng mức chuẩn nghèo bình quân khu vực nông thôn. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng thời, phương thức đóng BHXH tự nguyện được quy định một cách linh hoạt. Theo đó, ngoài các phương thức đã quy định thì người lao động có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ BHXH tự nguyện.
Người lao động được tự quản lý sổ BHXH
Thay đổi cơ bản và lớn nhất là quy định người lao động được quản lý sổ BHXH của mình trong thời gian đóng BHXH để theo dõi quá trình đóng - hưởng BHXH, được người sử dụng lao động định kỳ (6 tháng) cung cấp thông tin về việc đóng BHXH. Hằng năm, người lao động được cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH.
Ðây là cơ sở quan trọng để người lao động đối chiếu, giám sát trách nhiệm đóng BHXH của người sử dụng lao động.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung đều hướng tới bảo đảm tốt hơn quyền về an sinh xã hội của người lao động và công bằng xã hội đồng thời có tính tới khả năng cân đối quỹ BHXH.
Lao động nam được hưởng chế độ khi vợ sinh con
Cụ thể, Luật bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu sinh đôi và từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; 14 ngày làm việc nếu sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ có thời gian đóng BHXH từ đủ 12 tháng nhưng vì lý do thai không bình thường phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chỉ cần bảo đảm điều kiện đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Đồng thời, sửa đổi thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi. Bổ sung trường hợp lao động nam nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được hưởng BHXH giống như lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi.
Đối với trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.
Nếu mẹ đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH theo quy định mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không có đủ sức khỏe để chăm sóc con có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH khi vợ sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con; tăng thêm 1 tháng cho thời gian lao động nữ nghỉ thai sản trong trường hợp con dưới 2 tháng tuổi bị chết sau khi sinh.
Bổ sung quy định chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).
Thay đổi cách tính lương hưu
Bổ sung quy định lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu (tuy nhiên, nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì không được bù bằng mức lương cơ sở).
Đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, quy định lộ trình tăng tuổi hưởng lương hưu đối với nhóm bị suy giảm khả năng lao động như sau:
Từ ngày 1/1/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi thì nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định.
Trường hợp, nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi, có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định.
Sự thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu thể hiện như sau:
Về chế độ tử tuất, Luật bổ sung điều kiện phải có từ đủ 12 tháng đóng BHXH bắt buộc trở lên mới được hưởng trợ cấp mai táng (trừ trường hợp chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp).
Bổ sung đối tượng giải quyết chế độ tử tuất đối với người hưởng lương hưu nhưng đang chấp hành hình phạt tù mà bị chết trong tù. Bổ sung quy định thân nhân của người lao động chết thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp có thân nhân là con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Thay đổi quy trình giải quyết chế độ ốm đau, thai sản
Theo đó, cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ từ người sử dụng lao động, giải quyết và chi trả cho người lao động theo hình thức chi trả trực tiếp tại cơ quan BHXH, thông qua tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền hoặc thông qua tài khoản tiền gửi cá nhân tại ngân hàng thương mại hoặc thông qua đơn vị sử dụng lao động.
Nếu nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ BHXH chậm so với thời hạn quy định, trách nhiệm bồi thường thuộc về người sử dụng lao động và trách nhiệm thuộc về cơ quan BHXH nếu giải quyết hưởng BHXH quá thời hạn.
Hiện nay các cơ quan được giao đang khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định để BHXH Việt Nam có căn cứ tổ chức thực hiện sớm đưa Luật đi vào cuộc sống.
Điều Bá Được
Trưởng Ban - BHXHVN