1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đóng BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tối đa 30 % chi phí

(Dân trí) - Chính phủ vừa ban hành NĐ 134/2015/NĐ-CP về BHXH tự nguyện. Ngoài quy định tỉ lệ hưởng hưu trí và tử tuất giống NĐ 115/2015/NĐ-CP về BHXH bắt buộc, NĐ 134/2015/NĐ-CP có nhiều ưu điểm: Phương thức và thời gian đóng BHXH linh hoạt, không giới hạn tuổi tham gia, người tham gia được hỗ trợ của Nhà nước.


Đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, người lao động được nhiều hỗ trợ của Nhà nước.

Đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, người lao động được nhiều hỗ trợ của Nhà nước.

Điểm khác biệt cơ bản của quy định BHXH tự nguyện với BHXH bắt buộc là cơ chế tham gia. Nếu như BHXH bắt buộc gắn với mối quan hệ người sử dụng lao động và người lao động. Trong đó các bên phân chia mức đóng BHXH với tỉ lệ khác nhau. Với BHXH tự nguyện, cơ chế tham gia chỉ có duy nhất người lao động đóng BHXH.

Chính bởi sự khác biệt này, cùng với cơ chế khuyến khích của Nhà nước nhằm tăng diện phủ BHXH trong toàn dân, người tham gia BHXH tự nguyện có nhiều sự lựa chọn và ưu đãi.

Phương thức đóng linh hoạt

Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định như sau:

Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Đóng hàng tháng; đóng 03 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

Nếu người tham gia thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Việc đóng sẽ được thực hiện một lần cho những năm còn thiếu đối với điều kiện người tham gia BHXH đã đủ tiêu chuẩn về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định.

Nếu người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm, thì được tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định trên cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm. Lúc đó, người tham gia BHXH được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu. (theo diện thiếu không quá 10 năm như trên).

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng

Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, cụ thể:

Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế- xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.

Thời gian hỗ trợ: 10 năm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho mỗi người.

Quy định này được áp dụng từ 1/1/2018.

Đa dạng các mức đóng

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định như sau:

Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Mức đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần được xác định bằng mức đóng hằng tháng nhân với 3 đối với phương thức đóng 3 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 06 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Một điểm thuận lợi của Nghị định 134/2015/NĐ-CP là: Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong thời gian đó Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

Nghị định 134/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội của Nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện từ ngày 1/1/2018.

Trường hợp được hoàn trả tiền đóng BHXH tự nguyện

Người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau này mà trong thời gian đó thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó:

Dừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

Hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết.

Số tiền hoàn trả cho người tham gia BHXH tự nguyện được hoàn trả cho thân nhân người lao động trong trường hợp quy định được tính bằng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại so với thời gian đóng nhưng không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).

Hoàng Mạnh