Những sai lầm nhỏ khiến bạn bị từ chối khi tìm việc
Ứng tuyển vào một vị trí tại công ty sẽ khiến bạn trải qua nhiều cảm xúc từ phấn khích đến hồi hộp.
Sai lầm khi xin việc sẽ khiến ứng viên (ƯV) mất điểm và không thể trở thành ƯV sáng giá cho vị trí bạn đang mong muốn. Thật tiếc khi ƯV có năng lực nhưng lại bị loại hồ sơ chỉ vì những bất cẩn không đáng có dưới đây.
Sai lầm khi xin việc đầu tiên là trình bày hồ sơ ứng tuyển quá sơ sài và không có điểm nhấn. Dù ƯV có kỹ năng và kinh nghiệm đến mấy mà nhìn vào hồ sơ chỉ thấy sự cẩu thả thì rõ ràng nguy cơ thất bại cực kỳ cao. Trên thực tế, có rất nhiều người còn non tay nghề nhưng nhờ việc chăm chút tỉ mỉ khi tạo hồ sơ nên đã vượt qua hàng loạt đối thủ "nặng ký".
Do đó, khi thiết kế hồ sơ xin việc, ƯV phải biết cách sắp xếp, chọn lọc thông tin cần lưu ý lên trên để tạo điểm nhấn.
Dùng chung hồ sơ ứng tuyển cho tất cả các công ty khác nhau. Đây là sai lầm khi xin việc mà khá nhiều ƯV vướng phải. Vì lý do bận rộn hoặc đơn giản là lười biếng mà các ƯV tự triệt tiêu cơ hội tìm việc của mình. Mỗi công ty sẽ có nhu cầu về các ƯV khác nhau, dù là cùng ngành nghề đi chăng nữa.
Vì thế, một người ứng tuyển thông minh là biết sắp xếp lại các kinh nghiệm, thông tin nào của mình liên quan, phù hợp công ty nhất sẽ đưa lên đầu. Đó là một cách khoe và nhấn mạnh kỹ năng của bản thân, như việc khẳng định cá nhân mình có nhiều ưu điểm mà doanh nghiệp đang tìm kiếm.
Do đó, hãy dành một chút thời gian điều chỉnh lại hồ sơ xin việc của mình cho phù hợp với mỗi tập đoàn khác nhau.
Vượt qua được hàng loạt đối thủ trong vòng hồ sơ để đến được buổi phỏng vấn là đã tạo thêm cơ hội đến gần công việc mơ ước của ƯV. Nhưng sai lầm khi xin việc là thiếu chuẩn bị cho buổi gặp mặt trực tiếp này lại khiến ƯV bị đánh giá thấp, nhất là trong khoảnh khắc ấn tượng đầu tiên. Cần lưu ý không bao giờ để gần sát giờ hẹn mới bắt đầu ra khỏi cửa để đi, vì có thể bạn sẽ gặp phải một vài sự cố hay đường quá đông dẫn đến trễ hẹn và bạn nên biết rằng không tuân thủ giờ giấc là điều mà người tuyển dụng khó chịu nhất.
Ngoài ra, trước ngày phỏng vấn, ƯV nên tìm hiểu thông tin về công ty cũng như nghĩ ra những câu hỏi có thể mình sẽ gặp phải để kịp thời đưa ra câu trả lời lưu loát và chính xác.
Nói xấu công ty cũ. Đây phải nói là sai lầm khá nghiêm trọng khi xin việc. Trong buổi phỏng vấn thường sẽ có câu hỏi "Vì sao bạn rời bỏ công việc tại công ty cũ của mình?", một số người đang trên đà phấn khích lại quá thẳng thắn chia sẻ về những yếu tố không hay của nơi làm việc cũ.
Thật sự thì dù doanh nghiệp cũ có đối xử tệ với bạn ra sao, thì trong buổi gặp nhau đầu tiên với người tuyển dụng, bạn không nên nói xấu về công ty trước đây mình từng làm. Vì điều đó khiến công ty mới nghĩ rằng khả năng bạn cũng nói xấu về công ty họ rất cao.
Bỏ quên việc theo dõi thông tin sau buổi phỏng vấn. Rõ ràng bạn đang ứng tuyển vào vị trí mong muốn nhưng sau buổi phỏng vấn lại quên theo dõi mail để xem thông báo từ nhà tuyển dụng. Việc thiếu sót đó khiến công việc vụt mất khỏi tầm tay một cách... lãng xẹt.
Trong trường hợp ƯV bị từ chối thì việc thường xuyên theo dõi mail sẽ giúp ƯV nhận được tin tức kịp thời, lúc này một bức thư hồi âm cảm ơn công ty cũng sẽ khiến ƯV có điểm cộng lớn. Đừng nghĩ rằng bị từ chối thì không cần lịch sự nữa, vì biết đâu nhờ thái độ tốt của ƯV mà khi cần công việc gấp, công ty sẽ liên hệ hoặc trong lần ứng tuyển sau sẽ được ưu ái hơn.