Nhu cầu tuyển lao động ở Hà Nam: Cầu vượt cung
(Dân trí) - Bình quân mỗi tháng tại Hà Nam có khoảng 1.000 người tham gia mới vào thị trường lao động. Tuy nhiên, so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, con số này chưa thấm vào đâu.
Theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tỉnh Hà Nam, năm 2021, nhu cầu sử dụng lao động trong tỉnh Hà Nam của các doanh nghiệp đóng ở Hà Nam sẽ hơn 10.000 người, trong đó có khoảng 6.000 việc làm mới.
Những ngành tiếp tục có xu hướng thu hút nhân lực cao vẫn là dệt may, giày da, đồ chơi điện tử, nhựa, bao bì, dịch vụ du lịch, nhà hàng, kinh doanh, bán hàng…
Đặc biệt, trong thời gian ứng phó với đại dịch Covid-19 đã làm cho lĩnh vực thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Dự kiến năm 2021, lĩnh vực này thu hút một lượng nhân lực dồi dào với nhiều vị trí khác nhau…
Sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, thị trường xuất khẩu hàng hóa hoạt động trở lại, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cơ cấu lại dây chuyền sản xuất và có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng như kỹ sư điện, cơ khí, công nhân có trình độ sơ cấp, trung cấp, lành nghề. Đặc biệt, năm 2021 sẽ có gần 2.000 lao động được thu hút vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.
Còn theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, hiện một số doanh nghiệp lớn trong khu công nghiệp sẽ đi vào hoạt động sẽ tác động đến nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc tại các khu công nghiệp. Dự kiến cần trên 12.000 lao động. Sở LĐ-TB&XH dự kiến số lao động cần cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm nay sẽ khoảng trên 1,5 vạn người.
Nguồn cung lao động của tỉnh Hà Nam năm 2021 khá ổn định so với năm 2020 do lao động di cư ra ngoài tỉnh làm việc vẫn tiếp tục giảm, nhất là ở nhóm lao động trẻ dưới 35 tuổi, lao động nữ, lao động nông thôn. Ngược lại, lao động ngoài tỉnh đến làm việc trong tỉnh tăng. Đến thời điểm này, trong số hơn 68.000 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp thì 40% lao động là ngoại tỉnh.
Theo đánh giá của TTDVVL tỉnh Hà Nam, doanh nghiệp trong tỉnh Hà Nam rất nhiều, nhưng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Thực trạng thiếu nguồn lao động trong tỉnh dẫn đến xu hướng nguồn lao động ngoài tỉnh tham gia vào thị trường lao động trong tỉnh đang diễn ra.
Bình quân mỗi tháng tại Hà Nam có khoảng 1.000 người tham gia thị trường lao động, có việc làm mới. Tuy nhiên, so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, con số này chưa thấm vào đâu.
Đặc biệt, những doanh nghiệp lớn và những doanh nghiệp may mặc, giày da… lúc nào mỗi đơn vị cũng cần tuyển vài trăm đến hàng nghìn công nhân. Dù có kinh nghiệm trong tuyển dụng lao động, nhưng càng ngày càng khó. Lượng lao động trong độ tuổi ở Hà Nam không tăng, trong khi doanh nghiệp thành lập mới tăng, số doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, cơ cấu dây chuyền thay đổi nên nhu cầu cần lao động ngày một nhiều…
Một số doanh nghiệp trước đây chỉ tuyển nữ công nhân, nhưng hiện nay, do thiếu người cũng đã phải chấp nhận tuyển nam.