1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Nam:

Những phu cá oằn lưng, mỏi gối gánh cá thuê dưới trời nắng gắt

Ngô Linh

(Dân trí) - Dưới cái nắng như thiêu như đốt, hàng chục nữ "phu cá" ở xã ven biển Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) vẫn cật lực mưu sinh.

Những ngày này, hàng chục tàu cá lớn nhỏ ở bãi biển Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) tấp nập cập bến để cân bán cá cho thương lái.

Để đưa cá lên bờ, ướp lạnh trước khi mang đi tiêu thụ hay đưa vào các lò hấp, cả chủ tàu và thương lái luôn cần đến những người phụ nữ ở bãi ngang chuyên hành nghề "phu cá" - gánh cá thuê.

Những phu cá oằn lưng, mỏi gối gánh cá thuê dưới trời nắng gắt - 1

Những "phu cá" chờ cá vào bờ, phần lớn lao động làm nghề này là phụ nữ (Ảnh: Ngô Linh).

Từ 4 giờ sáng hàng ngày, hàng chục phụ nữ từ 25-60 tuổi đã có mặt ở bãi biển, họ mang theo hành trang mưu sinh nơi bến cá với đôi quang gánh, 2 cái thau to hoặc rổ tre để chuẩn bị hành nghề gánh cá thuê cho các chủ tàu hoặc thương lái.

Tuy số lượng người gánh cá đông nhưng họ hoạt động rất có nề nếp. Mỗi chủ cơ sở thường thuê từ 15 đến 20 người gánh. Để phân biệt hàng thu mua của mỗi cơ sở và cũng dễ dàng cho nhóm gánh của mình nhận ra, mỗi cơ sở đều sắm dụng cụ chứa hải sản với màu sắc riêng.

Những phu cá oằn lưng, mỏi gối gánh cá thuê dưới trời nắng gắt - 2

Hải sản đưa vào bờ sẽ được đổ vào các rổ nhựa để gánh vào bờ (Ảnh: Ngô Linh).

Làm nghề gánh cá thuê hơn 15 năm nay, bà Nguyễn Thị Năm (58 tuổi, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) cho biết người làm nghề này chủ yếu là phụ nữ, cánh đàn ông rất ít. Công việc gánh cá rất nặng nhọc, đặc biệt vào mùa hè. Khi nhiệt độ lên đến 35-40⁰C, người gánh cá "phơi" mình hàng giờ đồng hồ ngoài trời nắng gắt.

Theo bà Năm, ngày ít bà gánh tầm vài gánh, có hôm chục gánh, tùy lượng cá về bến. Mỗi lần gánh cá, bà được trả công 2.000 - 10.000 đồng, tùy khối lượng hải sản dao động 5 - 20kg/gánh.

Những phu cá oằn lưng, mỏi gối gánh cá thuê dưới trời nắng gắt - 3

Những phụ nữ làm nghề gánh cá mưu sinh dưới trời nắng gắt (Ảnh: Ngô Linh).

"Trung bình một ngày tôi kiếm được từ 100-200 nghìn đồng. Công việc vất vả, nặng nhọc, trời nắng thì mùi cá tanh bốc lên nồng nặc, mùa mưa nước xối xả. Thế nhưng chỉ sợ những đợt giông bão kéo dài thuyền bè không ra khơi thì sẽ không có việc làm", bà Năm chia sẻ.

Chồng bà Năm đã mất trong một chuyến khai thác hải sản do gặp bão lớn. Nhờ công việc gánh cá thuê, đan lưới, phơi cá, một mình bà Năm đã lo cho các con học hết cấp 3, dựng vợ gả chồng.

Những phu cá oằn lưng, mỏi gối gánh cá thuê dưới trời nắng gắt - 4

Những gánh cá giúp các bà, các mẹ ở làng biển mưu sinh, nuôi con cái ăn học (Ảnh: Ngô Linh).

Tương tự, bà Đặng Thị Hồng (47 tuổi) cũng ngày ngày ngược xuôi hàng chục lần trên bãi cát với khoảng mươi cân hải sản trên vai mỗi lần gánh.

"Không kể ngày nắng hay mưa, chỉ cần có thuyền cập bến, có người thuê là làm. Gánh hải sản từ tàu lên đê, trượt chân ngã, tím bầm chân tay là chuyện bình thường", bà Hồng nói.

Cũng theo bà Hồng, chạy trên cát rất mỏi chân, đôi vai gánh hải sản ra vào liên tục. Ai làm cái nghề này cũng đều phải mang theo một lọ dầu gió hay mấy lá trầu như một vật bảo hộ, đề phòng những lúc đau ốm, toàn thân mệt mỏi.

Những phu cá oằn lưng, mỏi gối gánh cá thuê dưới trời nắng gắt - 5

Người phụ trách ghi lại số lượt gánh cá để trả công (Ảnh: Ngô Linh).

Xã Bình Minh là xã bãi ngang ven biển có số lượng tàu thuyền đánh cá đông nhất huyện Thăng Bình. Toàn xã có hơn 150 chiếc tàu, thuyền có công suất từ 90CV trở lên, trong đó có 30 chiếc tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 500CV. 

Mưu sinh ở làng biển với nghề gánh cá, nhiều phụ nữ ở đây là lao động chính của gia đình, tảo tần nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn.