Dâu tây giá thấp "sập sàn", nông dân xót xa rủ nhau chặt bỏ
Còn gần 1 tháng nữa mới hết vụ dâu tây nhưng nhiều nông dân trồng dâu tây ở Sơn La đang "đua nhau" phá bỏ loại cây này khi giá bán buôn chỉ dao động từ 20.000 đến 30.000/kg, thấp hơn giá đầu vụ gần 10 lần.
Giá dâu tây hạ thấp kỷ lục
Phóng viên báo Nông thôn ngày nay vừa có mặt tại khu vực bản Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Đây là một trong những địa bàn có lượng dâu tây rất lớn của huyện Mai Sơn. Nhưng hôm nay, ngay từ đầu bản, đã thấy có những cây dâu tây chết khô, những bầu cây trơ trọi không ai thu dọn... đó là hình ảnh không khó gặp ở xã Cò Nòi thời điểm này. Nhiều gia đình đã quyết định nhổ bỏ cây dâu tây.
Ông Nguyễn Kim Chính thành viên của HTX Xuân Quế xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cũng không ngoại lệ. 2 ha dâu tây của ông vẫn đang cho thu hoạch nhưng bắt buộc phải nhổ bỏ để tính đến trồng loại cây khác.
Ông Chính cho biết: Đầu mùa, giá của dâu tây thương lái thu mua tại vườn cũng phải dao động từ 180.000 đến 200.000đ/kg đối với loại dâu VIP. Những loại dâu khác thì giá cũng chỉ thấp hơn một chút. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, với giá cả quá thấp, bán buôn từ 20 - 30 ngàn đồng/kg, như vậy thì không đủ giúp người trồng dâu tây đủ tiền chi trả cho công nhân giúp việc ở vườn dâu tây.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bình, Phó giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho biết: Với diện tích khoảng 1 ha, thì một ngày HTX cần phải thuê từ 10 đến 15 công nhân. Chi phí cho mỗi công nhân thu hái là 30.00đ/ giờ. Mỗi ha dâu tây vào vụ thu hoạch chính, cần phải trả từ 4 đến 5 triệu/ngày cho nhân công hái dâu, đóng hộp... Điều đó đồng nghĩa với việc người nông dân chỉ có thể hòa vốn chứ không còn lãi.
Còn tại HTX dâu tây ICHI FARM xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) có hơn 70 hộ gia đình tham gia, nhưng đến nay cũng có tới hơn 70% các gia đình đã phá bỏ dây tây để trồng loại cây khác cho thu nhập ổn định hơn.
Chia sẻ về vấn đề này, Ông Nguyễn Văn Thụy, Giám đốc HTX dâu tây ICHI FARM cho biết: Sau khi có một số thông tin về dâu Sơn La lẫn lộn với dâu Trung Quốc, làm một số người tiêu dùng nghi ngại, họ đã ngừng sử dụng. Việc đó gây ảnh hưởng đến người trồng dâu, thậm chí là bán rất ế, đẩy giá thành xuống rất rẻ. Bây giờ giá tại vườn chỉ 20.000đ/kg. Do vậy việc duy trì vườn dâu là điều không thể.
Nông dân trồng dâu tây rủ nhau phá bỏ
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Theo số liệu thống kê, với diện tích trên 326ha, sản lượng trung bình là khoảng 3.100 tấn/năm; huyện Mai Sơn hiện nay là vùng trồng dâu tây lớn nhất tỉnh Sơn La. Tuy nhiên đến nay nhiều hộ gia đình đã bỏ vườn dâu vì không thể tiếp tục gồng gánh được các loại chi phí.
Dự kiến hết tháng 4 và đầu tháng 5 năm nay mới chính thức hết vụ dâu, nhưng cũng không gia đình nào mặn mà với việc thu hái quả dâu tây nữa. "Đường đi" tiếp theo cho cây dâu tây tiếp tục là bài toán đặt ra với các cơ quan chức năng.
"Cái cốt lõi trong việc trồng cây dâu tây đó là chúng ta bắt buộc phải chuyển từ việc trồng nhỏ lẻ, manh mún, phong trào, hộ gia đình, sang sản xuất theo quy mô HTX, Doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng được thương hiệu cây dâu tây Sơn La. Song hành với đó là phải khẳng định được chất lượng của quả dâu, đặc biệt là vấn đề vệ sinh ATTP", ông Hào nói.
Gần đây, những biến động về giá cả luôn theo chiều hướng bất lợi cho người trồng dâu tây ở Sơn La khi chi phí đầu vào luôn tăng; còn ở chiều ngược lại, giá bán dâu tây lại "phá đáy". Nếu như câu chuyện này cứ tiếp tục kéo dài thì diện tích cây dâu tây trên địa bàn tỉnh Sơn La sẽ sụt giảm, đòi hỏi cơ quan chức năng cần có những giải pháp và lộ trình cụ thể, rõ ràng để người nông dân có thể yên tâm sản xuất.