Những người bắt rễ tre "đẻ" tiền
(Dân trí) - Trừ lá tre, những bộ phận khác đều có thể làm nguyên liệu để sản xuất sản phẩm mỹ nghệ . Những gốc tre tưởng chừng bỏ đi lại là thứ có giá trị nhất khi qua bàn tay của những người thợ lành nghề.
"Nếu như trước đây người ta biết đến "miền Trà Lân trúc chẻ tro bay" trong Bình Ngô đại cáo thì nay, sẽ biết đến tre Trà Lân qua những sản phẩm mỹ nghệ", Thái Đăng Dũng (SN 1990, Phó GĐ Công ty TNHH Trà Lân Bambo) nói về những sản phẩm làm ra từ tre.
Từ tre xây dựng đến tre mỹ nghệ
Sinh ra và lớn lên ở miền đất bạt ngàn cây tre, chưa bao giờ Dũng nghĩ đến việc sẽ khởi nghiệp bằng cây tre này dù hơn 5 năm trời "kiếm cơm" bằng loại cây này. Nói "kiếm cơm" cũng không sai bởi chàng thanh niên này chuyên cung ứng tre, mét cho các công trình xây dựng trên địa bàn.
Nhưng rồi, chính cậu đã thay đổi cách suy nghĩ về giá trị kinh tế của tre Trà Lân.
"Tôi nhận được đơn hàng cung ứng nguyên liệu cho một số cơ sở mỹ nghệ ở phía Nam chuyên sản xuất thìa, cốc, ống hút bằng tre. Tre quê mình đầy rẫy, sao mình cứ như anh làm thuê, chặt tre đi bán với giá trị thấp mà không tận dụng nguồn nguyên liệu khổng lồ này để sản xuất mỹ nghệ, tăng giá trị của nó?", Dũng trăn trở.
Cũng phải mất 5 năm trời thai nghén ý tưởng, Dũng mới mạnh dạn bàn với anh trai mở công ty để sản xuất các sản phẩm từ cây tre. Anh Thái Đăng Tiến - anh trai Dũng là chủ một cơ sở sản xuất mộc dân dụng có tiếng ở Con Cuông, nhìn thấy tiềm năng đối với cây tre trong kế hoạch của Dũng nên quyết định đầu tư.
Hai anh em gom góp vốn liếng, cầm cố đất cho ngân hàng để đầu tư thành lập công ty. Đi vào làm kinh tế mới thấy mọi chuyện không đơn giản như mình nghĩ, cái gì cũng phải học. Tạo hình sản phẩm như thế nào? Xử lý mối mọt, nhuộm màu ra sao để vẫn phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng? Anh em Dũng cứ vừa học, vừa làm rồi mọi thứ cũng đi vào quỹ đạo với tiêu chí sản phẩm xanh - sạch, an toàn với người dùng và môi trường.
Đến nay, ngoài 2 ông chủ, công ty tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng và gần 10 lao động thời vụ.
Gần nửa năm hoạt động, hiện các sản phẩm từ tre Trà Lân đã được trưng bày, giới thiệu và bán cho du khách một số điểm du lịch nội tỉnh. Sản phẩm của công ty khá đa dạng, từ những bộ ly uống trà xinh xắn, thìa gỗ, hộp đựng bút, thân bút bi, cốc uống nước cho đến bình hoa hay những bộ ấm chén tinh xảo, cầu kỳ.
"Ngoài việc giới thiệu tại các khu du lịch trong tỉnh, hiện chúng tôi cũng triển khai quảng bá và nhận làm các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng thông qua mạng xã hội. Một số khách hàng tin tưởng gửi mẫu để chúng tôi sản xuất rồi mang sang châu Âu làm quà tặng. Rất mừng là các sản phẩm của chúng tôi nhận được sự phản hồi tích cực từ các khách hàng", Thái Đăng Dũng cho hay.
Bắt rễ tre "đẻ" tiền
Sản phẩm từ tre có nhiều loại đa dạng. Ngoại trừ lá, những bộ phận của cây tre Trà Lân đều trở thành nguyên liệu sản xuất và có thể giúp anh em Dũng kiếm ra tiền.
"Sản xuất sản phẩm từ ống tre không quá phức tạp vì bản thân nó đã có thể định hình được sản phẩm, chỉ cần sự tỉ mỉ và khéo léo của người thợ. Bởi vậy, mức giá của sản phẩm cũng khá bình dân, từ 20 đến 150 nghìn đồng, tùy từng loại sản phẩm. Các sản phẩm từ gốc tre đòi hỏi sự sáng tạo và công sức đổ ra nhiều hơn. Đây cũng là bộ phận có giá trị cao nhất của cây tre sau chế tác", anh Nguyễn Văn Hùng - thợ tiện của công ty, cho biết.
Thường thì sau khi khai thác tre, người ta sẽ vứt gốc đi. Thế nhưng dưới con mắt nhà nghề, anh Thái Đăng Tiến - giám đốc công ty nhận thấy thứ bỏ đi ấy sẽ là "hái ra tiền" nếu được chế tác thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Vậy là ông giám đốc doanh nghiệp thuê máy múc lên rừng "trốc" rễ tre tìm nguyên liệu.
Gốc tre sau khi rửa sạch, phơi khô, xử lý để chống mối mọt sẽ được các thợ tiện chế tác thành sản phẩm, chủ yếu là ấm pha trà, cốc hay bình cắm hoa.
Anh Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: "Gốc cây tre rất cứng, lại đâm rễ tua tủa, trông khá xù xì. Bởi vậy, phải có một ít kiến thức về hội họa, tạo hình mới có thể chọn gốc nào sẽ phù hợp với loại sản phẩm nào để chế tác. Khoét lõi là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, cẩn trọng bởi chỉ cần lưỡi dao đi chệch quỹ đạo thì gốc tre chỉ còn là thứ vứt đi.
Những phần như nắp ấm, tay cầm, vòi nước... cũng được dùng từ những phần cành, rễ, nhánh của cây tre, tất nhiên là phải lựa chọn rất kỹ để vừa đảm bảo hài hòa về mặt mỹ thuật, vừa đảm bảo công năng sử dụng cũng như độ bền của sản phẩm".
Cũng bởi được chế tác từ phần gốc, rễ của cây tre nên các sản phẩm dù cùng chủng loại cũng không thể giống nhau mà sẽ mang nét đẹp riêng biệt. Do vậy, mức giá của sản phẩm cũng khác nhau, giao động từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng tùy vào độ tinh xảo.
Vừa làm, vừa học, vừa sản xuất, vừa tìm thị trường tiêu thụ, anh em Dũng xoay như chong chóng. Động lực lớn đối với họ là các sản phẩm được người sử dụng đánh giá cao bởi có công năng, tính thẩm mỹ, an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường và mức giá khá cạnh tranh với sản phẩm làm từ nguyên liệu khác.
"Trong thời gian tới, bên cạnh các sản phẩm thông dụng như hiện nay, chúng tôi sẽ nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm từ cây tre có tính đột phá, mang bản sắc riêng và mẫu mã thiết thực hơn cho người dùng", Thái Đăng Dũng chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông - cho biết: "Ý tưởng sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ của anh em Thái Đăng Dũng không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế của cây tre vốn rất sẵn, rất nhiều ở Con Cuông mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường. Cá nhân tôi và các đồng chí trong lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện rất ủng hộ và chỉ đạo phòng ban chuyên môn quan tâm các chính sách hỗ trợ. Với ý tưởng táo bạo này, tôi hi vọng đây sẽ là một bước đột phá trong khởi nghiệp của thanh niên miền núi Con Cuông".