1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tháng cuối năm, làng nghề mộc Sơn Đồng rộn tiếng đục, chát

Kim Sơn

(Dân trí) - Tết Nguyên Đán Tân Sửu chỉ còn hơn 1 tháng. Đây cũng là thời gian cao điểm của mùa vụ trong cả năm của những người thợ làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội).

Tháng cuối năm, làng nghề mộc Sơn Đồng rộn tiếng đục, chát - 1

Nhiều sản phẩm mộc của Sơn Đồng đang chờ xuất xưởng

Nhịp sống người dân thôn Đồng (xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội) những ngày đầu tháng 12 rộn rã, tất bật hơn mọi khi. Từ đầu thôn, người dân có thể nghe rõ những âm thanh của tiếng đục chan chát, tiếng máy bào gỗ vọng ra từ nhiều xưởng sản xuất với nhịp độ khẩn trương.

Xưởng sản xuất của gia đình bà Nguyễn Thị Thủy ở ngày vị trí đầu thôn. Những người thợ trong xưởng đang tất bật với các sản phẩm là đồ thờ, khám tượng, hoành phi câu đối.

"Nhà tôi có truyền thống lâu đời làm nghề đồ gỗ mỹ nghệ. Từ thời trai trẻ, tôi đã được cha ông truyền dạy cho những ngón nghề đầu tiên. Tới nay, tôi đã gắn bó với nghiệp mỹ nghệ truyền thống được hơn 30 năm", ông Trần Quang Hùng -chồng bà Thủy - chia sẻ.

Tháng cuối năm, làng nghề mộc Sơn Đồng rộn tiếng đục, chát - 2

Bà Nguyễn Thị Thủy đang hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cùng của chiếc tủ trước khi bàn giao cho khách.

Xưởng sản xuất nhà ông Trần Quang Hùng chỉ rộng khoảng chừng 50m2, nhưng khắp mọi nơi đều là đồ gỗ đang chờ hoàn thiện. Ông nói: "Con cái đi làm ăn xa, hai vợ chồng tôi lấy nghề làm vui, góp phần giữ gìn truyền thống lâu đời của quê hương thôi".

Khi được hỏi về yêu cầu của người làm nghề mộc Sơn Đồng? Ông Trần Quang Hùng cho rằng, yếu tố đầu tiên là phải có đôi tay khéo léo, đôi mắt tinh. Bên cạnh đó, người làm nghề cần có đức tính kiên trì, sự tỉ mỉ và sẽ là tốt hơn nếu người thợ đó được lớn lên, gắn bó từ nhỏ ở nơi này.

Cách nhà ông bà Hùng - Thủy vài trăm mét, là hộ sản xuất kinh doanh của anh Nguyễn Chí Trung. Khác với hàng xóm, xưởng của anh Trung quy mô hơn. Công việc bận rộn, anh chỉ tiếp chúng tôi khi đã xẻ xong những ván gỗ cuối cùng.

Tháng cuối năm, làng nghề mộc Sơn Đồng rộn tiếng đục, chát - 3

Anh Trung (bìa trái) theo hướng dẫn công nhân của mình làm việc.

Anh cho biết, xưởng gỗ chuyên nhận đặt hàng các công trình lớn như nhà cổ, nhà thờ họ, chùa chiền. Đại dịch Covid-19 hoành hành suốt nhiều tháng qua khiến việc sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều. Hộ gia đình nhà anh Trung cũng không tránh khỏi cảnh đó.

"Đợt vừa rồi đúng là quá khó khăn. Tôi nhẩm tính đơn đặt hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi đã phải đi vay vốn ngân hàng để có khoản đầu tư. Giờ gần Tết, cũng may dịch cũng không còn ghê gớm như trước", anh Trung cho hay.

Xưởng sản xuất của anh Trung đang tạo công ăn việc cho 10 người lao động. Anh Trung trả cho thợ học việc 100.000-200.000 đồng/ngày công, còn thợ có nhiều kinh nghiệm thì mức sẽ tăng lên 500.000 đồng/ngày.

Tháng cuối năm, làng nghề mộc Sơn Đồng rộn tiếng đục, chát - 4

Dịp cuối năm là mùa vụ bận rộng nhất của làng nghề Sơn Đồng

Nói về khó khăn của người làm nghề mộc nơi đây, ông chủ 35 tuổi tâm sự: "Điều khó lớn nhất là nguồn gỗ khan hiếm. Nhập gỗ từ Lào hay Campuchia cũng vô cùng khó khăn. Hiện giờ, xưởng của tôi vẫn trung thành với cách làm thủ công. Giờ nhiều nơi áp dụng nhiều công cụ máy móc kỹ thuật hiện đại, nhiều khách hàng lại ưa chuộng hơn".

Tâm sự thêm với chúng tôi, anh Nguyễn Chí Trung cho biết khách đặt hàng nhiều người kỹ tính. "Nhiều khi, hoàn thành được 30% sản phẩm rồi, khách lại kêu không lấy nữa. Lúc ấy, tôi phải mềm mỏng, khuyên giải họ, yêu cầu họ nói rõ điểm không ưng để chúng tôi khắc phục".

Là người có hàng chục năm gắn bó với làng nghề, ông Nguyễn Trí Hải - Phó Chủ tịch Hội Làng nghề Mỹ nghệ Sơn Đồng - có nhiều trăn trở với việc phát triển truyền thống nghề đã có hàng trăm năm.

Theo ông Nguyễn Trí Hải, toàn xã có tới khoảng hơn 75% các hộ làm nghề mỹ nghệ. Qua đó, giúp cho hàng nghìn người lao động có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.

"Đa phần các hộ sản xuất kinh doanh đều có quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Tôi cùng các anh em trong Hội mong muốn làm sao Nhà nước tạo điều kiện cho các hộ đầu tư vay vốn đề làm ăn. Thêm nữa, xã Sơn Đồng có một mặt bằng đủ rộng lớn để nhân dân có cơ hội phát triển nghề lâu dài và bền vững hơn", ông nói.