Những ngành nghề cần nhiều lao động nhất tại TPHCM trong năm 2025
(Dân trí) - Dự báo trong năm 2025, TPHCM có gần 4,8 triệu người có việc làm, tập trung nhiều nhất ở các ngành kinh tế thế mạnh của thành phố như công nghiệp chế biến, chế tạo, buôn bán và dịch vụ.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) vừa có dự báo nhu cầu nhân lực của thành phố trong năm 2025.
Falmi xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực năm 2025 căn cứ vào kịch bản tăng trưởng số 2 của TPHCM với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân trong giai đoạn 2021-2025 là 6,7%/năm.
Với kịch bản trên, dự báo số lao động có việc làm trong năm 2025 là gần 4,78 triệu người. Lao động sẽ làm việc chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ với gần 3,361 triệu người, chiếm 70,32% tổng số lao động có việc làm. Khu vực công nghiệp - xây dựng đứng thứ hai với gần 1,357 triệu người, chiếm 28,39%. Lao động khu vực nông lâm thủy sản chỉ chiếm 1,29% tổng số lao động.
Cơ cấu lao động vẫn tập trung cao nhất vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với gần 1,238 triệu người, chiếm 25,89% tổng số lao động. Kế đó là ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác với hơn 1,171 triệu người, chiếm 25,59%...
Nếu xếp theo nghề nghiệp, cơ cấu nhân lực tập trung vào nhóm lao động làm ngành dịch vụ cá nhân, dịch vụ bán hàng, chiếm 30,97% tổng số lao động có việc làm. Kế đó là nhóm lao động ở lĩnh vực lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị, chiếm 21,79%...
Nếu chỉ tính về số vị trí việc làm mới, dựa trên các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Falmi ước tính thành phố sẽ cần thêm khoảng 310.000-330.000 lao động cho nền kinh tế.
Nhu cầu tuyển dụng trên phân bổ theo từng quý. Quý I cần 79.000-84.000 lao động. Quý II cần 77.000-82.000 người. Quý III cần 75.500-80.500 người. Quý IV cần 78.500-83.500 lao động.
Xét theo khu vực kinh tế, nhu cầu nhân lực mới tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ, chiếm 67,7% tổng nhu cầu nhân lực năm 2025, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 31,8%.
Trong đó, nhu cầu nhân lực mới của 4 ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 18,6% tổng nhu cầu. Cụ thể, ngành cơ khí chiếm 6,58%; hóa dược chiếm 4,96%; chế biến lương thực, thực phẩm chiếm 3,99%; sản xuất hàng điện tử chiếm 3,07%.
Nhu cầu nhân lực lớn nhất vẫn thuộc về 9 ngành dịch vụ chủ yếu, chiếm 59,91% tổng nhu cầu. Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 20,77%; thông tin và truyền thông chiếm 8,36%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 8,17%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 7,72%...
Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, TPHCM đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động theo hướng hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế, dựa trên nền tảng chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.
Với tầm nhìn trở thành đô thị thông minh, thành phố chú trọng ứng dụng công nghệ số và dữ liệu dân cư để tối ưu hóa quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và cải thiện đời sống người dân.
Với mục tiêu và tầm nhìn trên, việc phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao cho người dân thành phố.