An Giang:

Nhọc nhằn những cuốc xe lôi tuổi xế chiều

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Mỗi cuốc chở hàng hoặc đưa khách đi chợ, các tài xế xe lôi ở An Giang kiếm được từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng. Tuy nhiên không phải ngày nào họ cũng có thu nhập.

Đời phu xe lôi gập ghềnh như vòng quay bánh xe

Những phương tiện giao thông hiện đại phát triển mạnh mẽ khiến thời "vàng son" của nghề đạp xe lôi đã qua đi. Số người làm nghề đạp xe lôi cũng vì thế mà thưa dần. Hiện nay, đa số những người chạy xe lôi đều đã cao tuổi, cả cuộc đời gập ghềnh với vòng quay của bánh xe. Nhưng với họ, đó chính là những vòng quay của miếng cơm, manh áo và của cả hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình...

Nhọc nhằn những cuốc xe lôi tuổi xế chiều - 1

Xe lôi đạp là phương tiện không thể thiếu của người dân từ những năm 40 của thế kỷ trước (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ tại xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang năm nay đã 72 tuổi. Vẻ khắc khổ, dấu ấn của những tháng năm thăng trầm hằn sâu trên gương mặt, khiến ông Hồng già hơn nhiều so với tuổi.

Một buổi sáng đầu tháng 9, cũng như bao ngày mưa nắng khác, ông Hồng rời nhà từ 5h sáng. Địa điểm đợi khách của ông khi chưa có "đơn hàng" sẵn đó là ngã 4 đường Trần Khánh Dư thuộc trung tâm thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú.

Không phải chờ lâu, ông Hồng được khách thuê chở đi chợ. Hơn 20 phút sau, ông Hồng quay lại chỗ ban đầu, tiếp tục chờ tốp khách khác.

Tài xế xe lôi mưu sinh bằng đôi chân (Clip: Bảo Kỳ).

Dù mới sớm tinh mơ nhưng lưng ông Hồng đã muớt mồ hôi vì những cuốc xe. Mỗi lần chở khách đi chợ, cả đi và về, ông Hồng được trả 20.000 đồng. Mỗi ngày ông chở được chừng 4-5 cuốc xe.

"Giờ già rồi, không thể chở nhiều và chở xa như trước được nữa", ông Hồng cho biết.

Nhọc nhằn những cuốc xe lôi tuổi xế chiều - 2

Ông Hồng đậu xe chờ khách đi chợ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Hồng kể, cuộc đời ông gắn với vòng quay của chiếc bánh xe lôi từ hơn 30 năm trước. Trước đây, xe lôi đạp chủ yếu chở khách. Khu vực bến xe, cổng trường, chợ luôn nhộn nhịp khách đi xe. Dần dần, với sự phát triển đa dạng của nhiều loại hình phương tiện hiện đại, xe lôi đạp trở nên "lép vế".

Nhiều người đạp xe lôi chuyển sang nghề khác. Tuy vậy, xe lôi lại có những điểm mạnh riêng, là sự lựa chọn tối ưu cho những khách hàng có nhu cầu chở hàng hóa.

"Ngày trước mở mắt đi làm đã có tiền đầy túi nhưng giờ công việc bấp bênh lắm. Khách thuê xe lôi là phụ nữ lớn tuổi hay đi chợ vào mỗi sáng hoặc thuê chở hàng. 

Tiền công chở người từ 10.000 đến 20.000 đồng/cuốc/người tùy gần xa. Chở hàng thì cao hơn, được từ 100.000 đồng/chuyến. Hôm nào có chở hàng thì tôi kiếm được khoảng 200.000 đồng, ít hơn cũng được 80.000-90.000 đồng/ngày, nhưng có ngày cũng chẳng có đồng nào", ông Hồng chia sẻ. 

Nhọc nhằn những cuốc xe lôi tuổi xế chiều - 3

Nhiều người lớn tuổi ở An Giang vẫn duy trì thói quen đi chợ bằng xe lôi vì tiện lợi (Ảnh: Bảo Kỳ).

Bỏ nghề vì thu nhập bấp bênh

Dáng người nhỏ nhắn, nhưng rắn rỏi khỏe mạnh, ông Nguyễn Văn Hùng, một người đạp xe lôi ở khu vực chợ Cái Dầu tự hào cho biết, ông tuy nghèo nhưng lại có một sức khỏe "trời cho".

Tuổi gần 60 và có hơn 20 năm gắn bó với nghề đạp xe lôi, những ngày ông Hùng phải nghỉ làm vì ốm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vợ chồng ông Hùng đều là lao động tay chân, làm thuê mưu sinh, nhờ vòng quay của chiếc xe lôi mà ông có thể nuôi 3 người con khôn lớn, ăn học nên người. 

"Có chuyến tôi chở đến vài tạ hàng hóa, đi mấy chục km đấy. Nhưng giờ thì không chở được nhiều thế. Những mặt hàng cồng kềnh, nguy hiểm như tôn sắc nhọn tôi cũng không chở nữa vì nguy cơ mất an toàn. Tôi không muốn vì miếng cơm của mình mà gây nguy hiểm cho người khác. Còn sức thì còn đạp xe làm lụng, con cái tôi giờ có gia đình riêng không thể làm gánh nặng thêm cho nó", ông Hùng kể. 

Nhọc nhằn những cuốc xe lôi tuổi xế chiều - 4

Phu xe Nguyễn Văn Hùng chở nấm rơm cho tiểu thương trong chợ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nhọc nhằn những cuốc xe lôi tuổi xế chiều - 5

Xe lôi chở được tối đa 5 người hoặc trên 100kg hàng hóa (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nhọc nhằn những cuốc xe lôi tuổi xế chiều - 6

Buổi trưa khi vắng khách, ông Hùng tranh thủ lau xe lôi cho sạch sẽ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Bà Lưu Kim Hương (75 tuổi, ngụ tại thị trấn Cái Dầu) cho biết, buổi sáng bà lội bộ từ nhà ra chợ. Lượt về, nếu xách đồ nặng, bà thuê xe lôi đi cho đỡ mỏi chân. 

"So với xe ôm, mấy chú chạy xe lôi thường nghèo khổ hơn nên tôi hay ủng hộ họ. Lúc trước đi có 5.000 đồng/cuốc thôi, giờ vật giá lên nên giá xe lôi cũng lên theo, 10.000 đồng/cuốc", bà Hương nói. 

2 năm điêu đứng vì dịch bệnh, nhiều người bỏ nghề chuyển sang bán vé số, lượm ve chai mưu sinh. Bến xe đông đúc, tấp nập ngày nào giờ còn hơn 100 chiếc nhưng khoảng phân nửa là hoạt động thường xuyên.

Người bỏ cuộc tìm bến đỗ mưu sinh mới còn người ở lại vẫn cố duy trì công việc dù biết không lâu nữa nghề đạp xe lôi sẽ bị "xóa sổ". Giờ đây, đọng lại trong ký ức của họ là những ngày hối hả đạp xe ngược xuôi chở khách, là những ngày tháng sôi nổi của nghề tài xế xe lôi.