Tàu hũ ky bán đắt như tôm tươi tháng Vu lan, nhân công quay cuồng 24/7
(Dân trí) - "Mùa vu lan năm nay, tàu hũ ky (váng đậu) bán đắt hơn mọi năm. Nhân công thay ca làm liên tục nhưng cũng không đủ số lượng giao cho khách", một chủ làm tàu hủ cho biết.
Tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tháng Vu lan báo hiếu là thời điểm người dân thường ăn chay cầu phúc, báo hiếu cha mẹ. Bên cạnh hoa tươi, vàng mã, nhà giấy, các mặt hàng đồ chay là món không thể thiếu trong bữa cơm gia đình.
Chính vì thế, những ngày này, tại làng nghề sản xuất tàu hũ ky ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long luôn tất bật. Lò tàu hũ hoạt động 24/7, bếp luôn đỏ lửa.
Do tên gọi nên mọi người thường nghĩ nguyên liệu này dùng nấu các món chay hoặc gói chả chay nhưng giờ đây tàu hũ ky không còn là món độc quyền của người ăn chay, nguyên liệu này trở nên phổ biến và góp mặt trong thực đơn món ăn.
Tàu hũ ky được làm từ đậu nành. Đậu nành ngâm ít nhất 2 tiếng cho nở mềm rồi xay thành bột, sau đó đưa vào máy ly tâm vắt lấy nước. Nước đậu nguyên chất được cho vào chảo, đun sôi từ từ để lấy váng.
Tại lò tàu hũ, thông thường, người ta xếp 18 chảo thành 2 hàng gọi là một dàn, tùy theo quy mô sản xuất mà số dàn này nhiều hay ít.
Chị Đinh Thị Ngọc Thư, chủ lò tàu hũ Công Hoàng cho biết, từ sau dịch, đơn hàng tàu hũ ky đã đi đều trở lại, đặc biệt trong tháng Vu lan loại thực phẩm này càng được ưa chuộng. Lò của chị phải hoạt động hết công suất sản xuất mà vẫn không đủ hàng xuất đi.
"Từ tháng 6, lò đã tăng ca để có đủ nguồn hàng cung cấp cho người tiêu dùng. Lò tôi có 6 hàng chảo, mỗi ngày tôi sử dụng gần một tấn đậu nành tươi, chế biến ra được từ 300kg tàu hũ ky thành phẩm.
Mùa chay năm nay bán đắt hơn mọi năm. Làm miết, thợ thầy ai nấy đều đuối sức, thay ca nấu tàu hũ ky liên tục nhưng cũng không đủ số lượng giao cho khách", chị Thư cho hay.
Cũng theo chủ cơ sở, dù tàu hủ ky "bán đắt như tôm tươi" nhưng người sản xuất lãi vẫn thấp. Nguyên nhân do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, đậu nành, than, củi đều tăng giá nhưng người sản xuất chỉ có thể tính thêm khoảng 5.000 đồng/kg vì nếu tăng nhiều sẽ mất khách. Vì vậy, tính chung thì lợi nhuận sản xuất giảm hơn thời điểm trước dịch.
Tương tự, chị Lê Thị Tuyết Anh, chủ lò tàu hũ ky Minh Thư cho biết, năm nay tàu hũ ky hút hàng nên các chủ lò đều mừng, song do vật giá leo thang nên lợi nhuận giảm kha khá.
"Lò tôi có 1 dàn, mỗi ngày tôi ngâm 2 bao đậu nành (hơn 90kg), làm được khoảng 39-40kg tàu hũ ky. Hiện giá bán có tăng lên 110.000 đồng/kg nhưng lợi nhuận không cao. Để tiết kiệm chi phí tôi tự nấu ở nhà, không thuê thợ", chị Tuyết Anh chia sẻ.
Ông Lê Thanh Thuận - Trưởng phòng kinh tế thị xã Bình Minh cho biết, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa đã tồn tại gần 70 năm nay. Hiện làng nghề có khoảng 27 hộ gia đình duy trì sản xuất theo cách làm truyền thống, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động địa phương.
"Tàu hũ ky trong tháng Vu lan báo hiếu rất đắt hàng. Để đủ sản lượng cung cấp, các cơ sở phải làm, trữ hàng sẵn từ trước. Từ sau dịch tới nay làng nghề đã sản xuất bình ổn trở lại. Đây là tín hiệu đáng mừng cho bà con làng nghề", ông Thuận thông tin.
Trong những năm qua, làng nghề không ngừng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu tàu hũ ky. Đặc biệt, có 2 cơ sở sản xuất tàu hũ ky đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Vĩnh Long. Mỗi ngày, làng nghề cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn hàng hóa.