An Giang:
Biến đũa, bìa... thành nhà sàn thu nhỏ, bán một cái thu ngay tiền triệu
(Dân trí) - Tận dụng bìa các tông, đũa, que kem… anh Nguyễn Văn Cường (39 tuổi, ngụ tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, An Giang) dựng nhà sàn theo kiểu Nam Bộ, mỗi mô hình anh bán thu về tiền triệu.
Là một người kinh doanh căng-tin trong Trung tâm y tế huyện Tri Tôn (An Giang), trong thời gian phải tạm nghỉ do giãn cách xã hội năm ngoái, anh Nguyễn Văn Cường (39 tuổi, ngụ tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, An Giang) dành thời gian tập tành, chế tác nhà sàn thu nhỏ từ bìa các tông, que kem, đũa...
Anh Cường sinh ra ở vùng nông thôn, từ nhỏ đã sống trên những nhà sàn bốn bề nước nổi. Ngay từ nhỏ, hình ảnh những căn nhà sàn tránh lũ mộc mạc lợp mái lá, gỗ phết dầu bóng đã in sâu vào ký ức.
"Tình cờ qua mạng xã hội biết tới mô hình nhà sàn thu nhỏ, thế là tôi bắt tay vào làm, bằng những nguyên liệu sẵn có, dễ tìm, gắn kết lại thành ngôi nhà sàn. Qua nhiều lần thất bại, tôi cũng có tác phẩm đầu tay", anh Cường chia sẻ.
Theo anh Cường, để sáng tác các mô hình nhà sàn này, người làm cần phải tính toán, cân đối tỉ lệ sao cho hợp lý, cách tô màu sao cho đẹp, giống thật.
Một yếu tố quan trọng nữa là người làm cần có đam mê vì công việc này yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì. Mỗi thiết kế nhà sàn anh Cường luôn thay đổi cách bài trí, phối cảnh để từng tác phẩm "ra lò" đều độc nhất vô nhị.
"Khâu khó nhất là lên ý tưởng cho ngôi nhà, có ý tưởng rồi mới làm phần sàn, cột, vách và nóc nhà, kế đến là nội, ngoại thất cho ngôi nhà thêm sinh động", anh Cường chỉ vào ngôi nhà sàn đang chế tác nói.
Mỗi tiểu cảnh có kích thước 30x50cm, nhỏ bé gấp hàng nghìn lần so với những ngôi nhà sàn thật nhưng thời gian chế tác khá lâu. Thông thường, sau khâu chuẩn bị vật liệu, mất 3 ngày anh Cường mới hoàn thành xong một tác phẩm.
Với sự tỉ mỉ, khéo léo, những ngôi nhà sàn Nam Bộ của anh Cường làm ra đều rất chân thật, từ mái lá, đến gian nhà, chái bếp hay chuồng gà, chuồng heo đều giống như thật, tuy kích thước chỉ nằm gọn trong bàn tay.
Dù mới khởi nghiệp chưa đầy 1 năm nhưng nghề tay trái này đã giúp anh Cường kiếm được nguồn thu nhập khá. Bình quân mỗi tháng anh cung cấp 5-6 mô hình nhà sàn, giá bán từ 800.000 đến 1.000.000 đồng/nhà. Khách hàng tiêu thụ chủ yếu ở miền Tây và TPHCM.
Ngày nay, với tốc độ phát triển của xã hội, kiểu nhà sàn Nam Bộ không còn thịnh hành, thay vào đó là những ngôi nhà bê tông, cốt thép kiên cố mang phong cách phương Tây.
Tuy vậy, với những người đam mê hoài cổ, nhà sàn Nam Bộ vẫn là hình ảnh thân thuộc, gắn bó với tuổi thơ, với quá trình trưởng thành của nhiều người con miền Tây.