1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhiều tín hiệu tích cực dù nửa triệu lao động phải ngưng việc

Hoa Lê

(Dân trí) - Hiện nay, thị trường lao động vẫn trong tầm kiểm soát, song cần giải quyết triệt để những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các ngành chủ lực.

Thời gian qua, những chính sách, giải pháp phục hồi thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 đã từng bước mang lại hiệu quả, góp phần hỗ trợ nhu cầu việc làm trên cả nước. 

Theo báo cáo của Chính phủ, lực lượng lao động tăng nhanh, quý I đã đạt 52,2 triệu người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%.

Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động được cải thiện. Số lao động có việc làm tiếp tục tăng với lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I là 51,1 triệu người.

Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động được cải thiện, đạt 7,0 triệu đồng, tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, thị trường lao động vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực và ngành nghề kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao, có hơn 5 triệu thanh niên không có việc làm. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiền năng là 4,5%.

Theo báo cáo, tốc độ phục hồi và phát triển thị trường lao động còn bị tác động tiêu cực bởi sự suy giảm kinh tế của các nước trên thế giới, thắt chặt chính sách tiền tệ...

Tốc độ tăng trưởng của các chỉ số thị trường lao động đã chậm lại. Nguyên nhân do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng vốn là thế mạnh như sản xuất trang phục, thiết bị điện tử, chế biến gỗ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhiều tín hiệu tích cực dù nửa triệu lao động phải ngưng việc  - 1

Nhiều ngành nghề bị giảm đơn hàng, đời sống việc làm của công nhân khó khăn.

Theo thống kê nhanh của các địa phương, trong 5 tháng đầu năm, số lao động bị ảnh hưởng phải nghỉ việc hoặc giãn việc là hơn 500.000 lao động.

Trong đó, số lao động thôi việc, mất việc làm khoảng 280.000 người; lao động giảm giờ làm là 195.000 người; 17.000 người ngừng việc, lao động ngừng việc, nghỉ việc không lương...

Số lao động có việc làm giảm ở những địa phương có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, hiện nay thị trường lao động vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, với những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các ngành chủ lực không được giải quyết triệt để thì nguy cơ thị trường lao động trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Về phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nâng cao năng lực cán bộ làm công tác thống kê, phân tích thông tin và dự báo thị trường lao động. Bên cạnh đó, cũng trao đổi, hợp tác quốc tế để nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc dự báo thị trường lao động.

Liên quan hoạt động dịch vụ việc làm, Bộ này cho rằng cần trang bị thiết bị đồng bộ, hiện đại cho hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, đảm bảo kết nối hoạt động của các trung tâm trong vùng, liên vùng với nhau...