Thị trường lao động vẫn ghi nhận triển vọng tích cực ở một số nhóm ngành
(Dân trí) - Theo đại diện các cơ quan quản lý về việc làm, thị trường lao động vẫn có những tín hiệu tích cực về nhu cầu tuyển dụng ở nhiều nhóm ngành nghề.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước khoảng 52,2 triệu người, tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 51,1 triệu người có việc làm, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ và tăng hơn 670.000 người so với năm 2019.
Xét về cơ cấu lao động, số lao động làm việc trong khu vực phi chính thức của Việt Nam đang chiếm đến 65-66%.
Về thất nghiệp, Việt Nam vẫn giữ tỷ lệ ổn định, ở mức thấp. Mức tiền lương bình quân của người lao động 7 triệu đồng/tháng, tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Phân tích, dự báo cung cầu - Giải pháp khơi thông điểm nghẽn thị trường lao động" do Báo Dân trí đồng hành cùng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) tổ chức hôm 24/5, ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội - đánh giá, con số này cho thấy chất lượng việc làm đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm. Thậm chí, một số nhóm ngành như kinh doanh bất động sản, xây dựng, dệt may... có xu hướng sụt giảm trong quý I.
Nhưng ông khẳng định, thông tin cho rằng nhu cầu tuyển dụng lao động trong nhóm ngành này sụt giảm đến hơn 50% trong quý IV/2022 là phóng đại, không sát thực tế. Nguyên nhân, có thể báo cáo này đến từ một đơn vị cung cấp dịch vụ nhân sự cấp cao.
"Với nhóm cấp cao, tỷ trọng lao động không nhiều nên nói giảm 25% hay 50% thì xét về tỷ lệ rất cao, nhưng số tuyệt đối lại không nhiều. Nên chúng ta cần xác nhận lại, nguồn thông tin này đang đề cập đến nhóm đối tượng nào. Nếu là toàn bộ lao động trong ngành thì đây là một con số rất lớn, nhưng nếu chỉ tập trung vào nhóm có trình độ cao thì tôi nghĩ cũng hợp lý, khoảng 30%", Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược nhận xét.
Cũng theo ông Toàn, nếu tính chung cho toàn thị trường (cả lao động giản đơn và bậc trung), nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này chỉ giảm khoảng 5-7%, do doanh nghiệp gặp khó khăn cũng như nhu cầu của thị trường thế giới giảm.
Cùng quan điểm này, ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội - cho rằng, nhu cầu lao động có xu hướng giảm nhưng mức ảnh hưởng không quá lớn. Tại thị trường Hà Nội, trung tâm ghi nhận có nhiều doanh nghiệp cắt giảm hoặc cho lao động nghỉ việc; nhưng cũng có không ít đơn vị tham gia tuyển dụng.
"Chúng tôi thấy tín hiệu thị trường vẫn tương đối tích cực. Một phần do địa bàn Hà Nội có trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa, ít chịu tác động từ bối cảnh chung của thị trường thế giới. Những lĩnh vực như marketing, tài chính, ngân hàng hay khối hành chính nhân sự, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, lĩnh vực liên quan đến chăm sóc sức khỏe, dịch vụ vẫn cho thấy nhu cầu tuyển dụng có xu hướng tăng", ông Thành cho biết.
Dự báo về diễn biến thị trường lao động trong năm nay, đại diện Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược cho biết, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn chịu nhiều tác động từ kinh tế thế giới. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn có điểm sáng ở khu vực dịch vụ khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại.
"Khu vực dịch vụ và xây dựng sẽ có triển vọng tốt về thị trường lao động khi Chính phủ triển khai hiệu quả những gói đầu tư công. Nhưng chúng ta cũng có những tác động tiêu cực khi nhu cầu của các nước với hàng hóa sản xuất ở Việt Nam bị hạn chế. Điều này cũng sẽ có những tác động trên thị trường lao động", ông Toàn đánh giá.