Tính cấp thiết của hệ thống phân tích, dự báo thị trường lao động
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, việc đẩy nhanh xây dựng hệ thống thông tin phân tích, dự báo thị trường lao động là cần thiết trong bối cảnh cung cầu lao động có nhiều chuyển biến như hiện nay.
Việt Nam có không ít trung tâm dự báo về nhu cầu lao động, trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, trung tâm dự báo quốc gia, viện nghiên cứu thuộc các bộ, ngành... Tuy nhiên, các đơn vị thiếu sự thống nhất trong triển khai mô hình phân tích, dự báo. Mỗi nơi thực hiện theo phương thức khác nhau, dẫn tới kết quả khác nhau.
Hiện nay, Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đang nghiên cứu, xây dựng một mô hình dự báo cung - cầu lao động chung, phù hợp với bối cảnh trong nước. Hướng tiếp cận của mô hình này là thông qua hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động do Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh cùng xây dựng dữ liệu, cung cấp thông tin thị trường lao động một cách kịp thời, chi tiết nhất có thể.
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm trong việc thúc đẩy phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả", do báo Dân trí đồng hành cùng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Huế - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang cho rằng, hiện nay, trong xu thế chuyển đổi số nhanh chóng, mạnh mẽ, việc xây dựng hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động có ý nghĩa lớn trong dự báo ngắn hạn, trung và dài hạn.
Theo ông, điều này sẽ giúp doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo nghề hoạch định sớm về chiến lược đào tạo lao động có tay nghề. Qua đó, người lao động có cơ hội sở hữu công việc mang tính bền vững.
"Nhờ hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động cùng những tác động tích cực của chuyển đổi số, số người mất việc được kỳ vọng sẽ có xu hướng giảm đi. Bởi doanh nghiệp, người lao động đã có sự chuẩn bị từ sớm. Do đó, việc các cấp bộ ngành khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống này là cấp thiết", ông Huế nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động nếu thực hiện thành công sẽ cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động kịp thời.
Nhờ đó, người lao động biết diễn biến thị trường để có sự chuẩn bị, tham gia đào tạo phù hợp. Doanh nghiệp cũng xác định được chi phí lao động từng vùng, khu vực để đánh giá nguồn nhân lực sẵn sàng cho việc mở rộng đầu tư. Các địa phương cũng chủ động hơn trong việc điều tiết lao động.
Mô hình này cũng giúp giải quyết vấn đề xã hội, bởi kết nối trên thị trường lao động hiệu quả. Các địa phương có thông tin rõ ràng, giảm chi phí. Người lao động dễ tìm việc. Doanh nghiệp không mất thời gian, chi phí tuyển dụng, có lao động đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở xác định mô hình phân tích, dự báo phù hợp, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh có thể biết rõ thông tin đầu vào và từ đó tổ chức mạng lưới cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời. Đây là yếu tố then chốt, quyết định đến đầu ra của hoạt động phân tích, dự báo. Thông tin đầu vào càng cụ thể, chi tiết, kịp thời và chính xác thì thông tin đầu ra cũng có giá trị tương tự như vậy.
Ông Huế cũng cho biết thêm, tại Bắc Giang, ngành Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch phát triển thị trường lao động từ nay đến năm 2025 và 2030. Trong những giai đoạn, kế hoạch đã chỉ rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ để thực hiện. Do đó việc thu thập, phân tích, dự báo thông tin là điều kiện rất quan trọng, đánh dấu từng nấc phát triển của thị trường lao động.
Hiện tại, để kết nối cung cầu lao động hiệu quả, tỉnh Bắc Giang tổ chức hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối với những địa phương mà người lao động khó tiếp cận thông tin để họ tìm được công việc tốt nhất có thể. Doanh nghiệp cũng có cơ hội tuyển dụng tốt hơn, từ đó lên phương án nhân sự để sản xuất kinh doanh.