Nhiều khuyến nghị hữu ích hỗ trợ nữ lao động di cư
(Dân trí) - Các khuyến nghị trong báo cáo được đề xuất nhằm thúc đẩy đảm bảo việc làm tốt, đóng góp vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ quyền của nữ lao động di cư trong khu vực ASEAN.
Chiều 14/11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Lễ Công bố Báo cáo khu vực về "Nữ lao động di cư trong Luật pháp và chính sách của các Quốc gia thành viên ASEAN".
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti và Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Ingrid Christensen đồng chủ trì Lễ công bố.
Lễ Công bố là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ về những mối quan tâm, đưa ra các giải pháp thiết thực, thúc đẩy hợp tác liên ngành nhằm tăng cường quyền năng và bảo vệ tốt hơn cho người lao động di cư nữ giới.
Yêu cầu cấp thiết hỗ trợ lao động nữ di cư
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, lao động di cư là một trong những đặc thù của thị trường lao động khu vực Đông Nam Á. Năm 2022, di cư trong nội khối hiện đang có xu hướng ngày càng tăng, chiếm tới 1/3 trong tổng số lao động di cư quốc tế.
Lao động di cư mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho cả nước tiếp nhận và nước phái cử. Trong đó, người lao động di cư góp phần đáp ứng nhu cầu lao động thiếu hụt, tham gia vào các hoạt động sản xuất và kinh doanh, góp phần vào phát triển và tăng trưởng kinh tế của các nước tiếp nhận.
Tại nước phái cử, lao động di cư đi làm việc ở nước ngoài sẽ giúp làm giảm áp lực giải quyết việc làm lên thị trường lao động, chuyển giao công nghệ và tăng cường kỹ năng, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước thông qua nguồn kiều hối gửi về của lao động, góp phần đầu tư trở lại vào công việc kinh doanh, giáo dục cho các thế hệ trẻ trong gia đình, tạo điều kiện phát triển cho các thế hệ tiếp theo.
Chiếm một phần lớn trong tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài, nữ lao động di cư cũng đã khẳng định được vai trò của mình trong di cư quốc tế và nội khối, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực. Tuy nhiên, lao động nữ di cư đã và đang phải đối với nhiều bất bình đẳng đan xen.
"Có nhiều bằng chứng cho thấy lao động nữ di cư có ít lựa chọn, và thường phải làm những công việc dễ bị tổn thương, như người giúp việc nhà và người chăm sóc; phải đối mặt với nhiều rủi ro như quấy rối tình dục, lạm dụng và bóc lột, không trả lương và trả lương thấp, bảo vệ và an sinh xã hội không đầy đủ, khiến cho tình trạng dễ bị tổn thương càng tăng lên", Thứ trưởng Hoan nói.
Thứ trưởng Hoan chia sẻ, là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) và một số Công ước của ILO liên quan đến bình đẳng giới và việc làm, Việt Nam luôn chú trọng đến tính nhạy cảm giới trong luật pháp, chính sách quốc gia và chủ trì nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nhằm cải thiện bình đẳng giới, thúc đẩy quyền của người lao động trong nước và khu vực.
Trước những thách thức và rủi ro mà lao động di cư nữ đã và đang gặp phải, Việt Nam đã đề xuất thực hiện Dự án nghiên cứu về Lao động di cư nữ trong chính sách và luật pháp của các nước thành viên ASEAN.
Dự án hướng tới tìm hiểu về các quy định hiện tại của lao động di cư nữ, tìm ra những khoảng trống trong quy định và chính sách của các nước, phát hiện những điển hình tốt, những bài học kinh nghiệm đáng quý nhằm thúc đẩy hài hòa các quy định của các nước và trong khu vực, hướng tới bảo vệ tốt hơn cho lao động di cư nữ trong thời gian tới.
Nữ lao động di cư cần sự bảo vệ
Phó Tổng Thư ký ASEAN về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội Ekkaphab Phanthavong cho rằng, lao động di cư giúp giảm nghèo đói, tăng cường cho từng quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, nữ lao động di cư phải chịu nhiều bất công, đối mặt với nhiều rào cản từ các định kiến giới.
"Tỷ lệ người lao động di cư là nữ giới còn thấp hơn nam giới và tập trung vào công việc mang lại giá trị thấp như nhân viên chăm sóc, giúp việc gia đình.
Các bất lợi đối với nữ lao động di cư ngày càng trầm trọng hơn, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn ra. Các quốc gia cần bảo vệ nữ lao động di cư tốt hơn; đẩy mạnh hỗ trợ lao động di cư là nữ giới để đảm bảo công bằng và bảo vệ họ khỏi các rủi ro như xâm hại hay lạm dụng", ông Ekkaphab Phanthavong kiến nghị.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho biết, bản Báo cáo đã đề cập tới các rủi ro và cơ hội cho nữ lao động di cư trên tinh thần lấy phụ nữ làm trung tâm, có yếu tố đáp ứng giới, đóng góp vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ quyền của nữ lao động di cư.
Giám đốc ILO Việt Nam và Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đều khẳng định đây là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ về những mối quan tâm, cùng đưa ra các giải pháp thiết thực, thúc đẩy hợp tác liên ngành nhằm tăng cường quyền năng và bảo vệ tốt hơn cho người lao động di cư tại từng nước tiếp nhận và phái cử và trên cả khu vực.
Trong khuôn khổ lễ công bố báo cáo các đại biểu đã có nhiều khuyến nghị nhằm khẳng định quyền của lao động nữ di cư, phát huy vai trò các tổ chức công đoàn phụ trách lao động nữ di cư; tạo cơ chế hỗ trợ sự tham gia của lao động nữ di cư trong hoạch định chính sách.