Nhiều cơ sở đào tạo uy của nước ngoài bị “tha hóa” khi liên kết với ta
ĐB Bùi Mạnh Hùng: Những cơ sở đào tạo tên tuổi của nước ngoài khi liên kết với ta cũng không giữ được uy tín, vì chạy theo đơn đặt hàng.
Chiều ngày 8/6, tiếp tục thảo luận về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) quan tâm tới vấn đề sử dụng nguồn nhân lực.
Theo đại biểu, vấn đề đào tạo, giải pháp sử dụng nguồn nhân lực chưa được Chính phủ đề cập thỏa đáng trong báo cáo. Việc sử dụng nguồn nhân lực chưa được coi trọng đúng mức trong phát triển kinh tế, cũng như tận dụng cơ hội dân số vàng của nước ta hiện nay.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh ở khâu đào tạo thường xem xét về bằng cấp mà thiếu quan tâm tới chất lượng thực, do đó các cơ sở sẽ dạy ở "tầm cao", còn chất lượng đào tạo xếp thứ yếu, vì vậy nảy sinh thực tế bằng thật bằng giả, trắng đen lẫn lộn. Đáng chú ý, những cơ sở đào tạo tên tuổi của nước ngoài khi liên kết với ta cũng không giữ được uy tín, vì chạy theo đơn đặt hàng.
“Tôi đề nghị đánh giá thực trạng sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả hay không, thực chất phương pháp sử dụng nguồn nhân lực ở các cơ quan nhà nước, qua đó để tạo sự chuyển biến, thay đổi căn bản cách đánh giá lao động thông qua bằng cấp và nên xem đây là quốc sách hàng đầu” – ông Bùi Mạnh Hùng đề xuất.
Có nên mãi coi lao động rẻ, trẻ, cần cù là lợi thế cạnh tranh?
Trong khi đó, đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) thừa nhận, vấn đề lao động việc làm của ta đang đứng trước nhiều thách thức. Ông Đinh Công Sỹ cho biết, năm 2014 chúng ta đã tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 2,08%; trong khi đó áp lực giải quyết việc làm tăng.
Đáng lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 15 - 24 tuổi chiếm trên 25% trong số lượng người thất nghiệp, từ đó dẫn tới gia tăng tội phạm trong giới trẻ, tệ nạn xã hội…
Quan trọng hơn, người lao động quan tâm nhiều tới vấn đề lương, thu nhập, chính sách đãi ngộ để họ có công việc ổn định. Theo đánh giá, thu nhập bình quân tăng chậm, trong khi giá tăng nhanh; năng suất lao động Việt Nam còn thấp, nhiều nước trước đây “dưới cơ” đã vượt ta.
Việt Nam đang trải qua cơ hội dân số vàng, số lượng lao động tăng… Tuy nhiên những ưu thế như lao động trẻ, chăm chỉ, rẻ, cần cù chịu khó… sẽ khó cạnh tranh với lao động có tay nghề, kỹ thuật của ngay trong khối ASEAN và đây là thách thức lớn đối với lao động Việt Nam.
Đại biểu cũng đề nghị cần có giải pháp hữu hiệu giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, vùng thiểu số, vùng bị thu hồi đất, đặc biệt trong bối cảnh Mục tiêu Quốc gia về việc làm và dạy nghề đang ở giai đoạn cuối.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) trong phần phát biểu của mình cũng đề xuất: “Không để cơ sở đào tạo nghề khủng khoảng thừa mà không được quy hoạch lại; không để sinh viên tốt nghiệp nhưng không có việc làm…”.
Khách du lịch giảm do bị “chặt chém”
Về vấn đề du lịch, đại biểu Đinh Công Sỹ khẳng định đây là thời điểm khó khăn của ngành này, khi lượng khách tới Việt Nam liên tục giảm, quý 2/2014 đến nay giảm 12,4% so với cùng kỳ, nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam một lần và không quay trở lại.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan do ảnh hưởng của căng thẳng ở Biển Đông, tỷ giá tiền đồng chênh lệch… Thì theo đại biểu, cần nhìn nhận ở những nguyên nhân chủ quan như: công tác quản lý, điều hành chưa thực sự chuyên nghiệp, mang tính ngắn hạn; tình trạng nâng giá, chặt chém trong dịp lễ hội rất phổ biến; các sản phẩm du lịch đa dạng nhưng na ná nhau, thiếu tính độc đáo; lễ hội đầu năm tổ chức rầm rộ nhưng để lại ấn tượng không tốt đẹp như các hành vi xấu, đánh nhau, mê tín dị đoan…
Bên cạnh đó, lượng khách trong nước đi ra nước ngoài du lịch tăng. Theo đánh giá năm 2014, có tới 10-15% khách Việt Nam chọn ra nước ngoài (như Thái Lan, Hồng Kông…) bởi ở nước ngoài có những dịch vụ du lịch chuyên nghiệp hơn.
Đại biểu Đinh Công Sỹ cho rằng, chúng ta tự hào có 9.000 lễ hội, nhiều di tích được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại, tuy nhiên mục tiêu đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn sẽ khó đạt được nếu không có không có sự liên kết, người làm du lịch không tự nâng cao đạo đức kinh doanh, chỉ vì lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài…
Theo VOV.VN