Đại học Bách khoa Hà Nội bao giờ có Hiệu trưởng?
Tình trạng không có Hiệu trưởng đang gây nhiều khó khăn trong hoạt động của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, từ việc quyết định các chủ trương lớn như hợp tác nghiên cứu, đào tạo… đến việc ký bằng tốt nghiệp cho các kỹ sư, cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ…
Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đại học có uy tín và truyền thống trong cả nước
Hiện tại, một sự việc đang là đề tài bàn tán, dị nghị của cán bộ, giáo viên trong trường, đó là đã 6 tháng nay, trường chưa có Hiệu trưởng.
Cụ thể, từ ngày 1/10/2014, GS-TS. Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng nhà trường nghỉ quản lý, đến nay đã hơn 6 tháng, nhưng Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn chưa có người đứng đầu (có một phó hiệu trưởng phụ trách, nhưng không có quyền hiệu trưởng). Điều này khiến hoạt động của trường nhiều lúc có dấu hiệu trì trệ, vì có những việc không thuộc thẩm quyền của phó hiệu trưởng, nên không ai dám quyết.
Tìm hiểu nguyên nhân của việc này, phóng viên Báo Đầu tư được biết, trước khi ông Giảng nghỉ quản lý, tháng 8/2014, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tới Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ, giáo viên về các chức vụ chủ chốt. Theo đó, ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng nhà trường có số phiếu tín nhiệm cao nhất. Theo quy hoạch, thì nhiều khả năng, ông Tớp sẽ được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.
Tuy nhiên, ngày 15/9/2014, TS. Nguyễn Ngọc Thành, giảng viên chính Khoa Cơ khí đã có đơn tố cáo ông Tớp đạo công trình của người khác. Cụ thể, ông Thành tố cáo, trong cuốn sách “Kỹ thuật điện cao áp” xuất bản năm 2007 mà ông Tớp là tác giả, đã chép lại gần như 100% nội dung của giáo trình “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của PGS - TS. Võ Viết Đạn xuất bản năm 1993.
Hiện tại, cuốn sách của ông Tớp là sách giáo khoa cho sinh viên ngành điện của các trường đại học và là tài liệu tham khảo cho học viên cao học.
Ông Thành nêu dẫn chứng 8/11 chương trong cuốn sách của ông Tớp là “đạo văn hoàn toàn”. Chẳng hạn, trong Chương 3: Nghiên cứu về tác dụng của phân pha, từ trang 102 đến trang 114 (sách của ông Tớp) có nội dung giống 100% như Chương II (sách của PGS - TS. Võ Viết Đạn): Nghiên cứu về tác dụng của phân pha, từ trang 17 đến trang 30.
Tại Chương 6 (trong sách của ông Đạn có tiêu đề: “Bảo vệ chống sét hệ thống điện”), thì cũng tại Chương 6 (trong sách của ông Tớp) cũng có tên gần như tương tự: “Bảo vệ chống sét đường dây tải điện”, nội dung chỉ khác nhau vài dấu chấm, phẩy. Tương tự, các chương khác cũng “gần như giống 100%” với sách của ông Đạn.
Ông Nguyễn Ngọc Thành đã đề nghị Bộ GD&ĐT, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xem xét, có hình thức kỷ luật thích đáng ông Tớp, thậm chí tước danh hiệu Phó giáo sư của ông này, vì cho là không xứng đáng.
Ngày 2/3/2015, Bộ GD&ĐT đã ra kết luận về nội dung tố cáo với ông Tớp. Kết luận do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký đã nêu, đơn tố cáo ông Trần Văn Tớp đã sao chép nhiều nội dung tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện áp cao ở siêu cao áp và cực cao áp” năm 1993 của PGS-TS. Võ Viết Đạn trong giáo trình “Kỹ thuật điện cao áp” xuất bản năm 2007 là đúng một phần.
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu ông Tớp phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân về việc sử dụng nội dung giáo trình năm 1993 của GS-TS. Võ Viết Đạn khi biên soạn giáo trình năm 2007.
Đồng thời, ông Tớp phải chỉ rõ các nội dung đã sử dụng từ giáo trình của GS-TS. Võ Viết Đạn; xác định rõ tác giả và hoặc chủ biên của giáo trình năm 2007 tuỳ thuộc vào mức độ sử dụng giáo trình năm 1993 theo quy định của pháp luật; đính chính các sai sót về dẫn chiếu trong giáo trình năm 2007.
Ngoài ra, Đại học Bách khoa Hà Nội phải tổ chức rút kinh nghiệm về công tác biên soạn giáo trình, tránh để xảy ra các sai sót tương tự…
Do có việc “đạo văn” này, nên ứng cử viên Trần Văn Tớp không đủ uy tín để được bổ nhiệm Hiệu trưởng.
Trước đó, một vị Phó hiệu trưởng khác là ông Nguyễn Cảnh Lương cũng bị ông Nguyễn Ngọc Thành tố cáo là đạo luận án tiến sỹ. Theo ông Thành, luận án tiến sỹ của ông Lương là chép lại từ luận án của PGS-TS. Đặng Văn Khải. Bộ GD&ĐT cũng đã vào cuộc xác minh và có kết luận: “Nội dung tố cáo ông Nguyễn Cảnh Lương có dấu hiệu đạo văn và không trung thực, đã sao chép lại gần như 100% luận án của PGS-TS. Đặng Văn Khải là đúng một phần”.
Kết luận của Bộ GD&ĐT nêu rõ: “Cụ thể, tại Chương 2 và mục 3.3, 3.4 Chương 3 Luận án của ông Nguyễn Cảnh Lương có nhiều đoạn sao chép lập luận trong Luận án của PGS-TS. Đặng Văn Khải (mặc dù nghiên cứu trên một đối tượng khác), nhưng không thực hiện việc trích dẫn theo đúng quy định. Hành vi này của ông Nguyễn Cảnh Lương vi phạm quy định về trích dẫn tài liệu theo quy định của Bộ GD&ĐT”. Với 2 án đạo văn bị phát hiện, nên 2 vị Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội đều khó có thể được bổ nhiệm chức hiệu trưởng.
Tuy nhiên, điều lạ là, Bộ GD&ĐT không thực hiện lại việc lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ Đại học Bách khoa Hà Nội để quy hoạch chức danh hiệu trưởng nữa, mà để mặc trường trong tình trạng “rắn không đầu” suốt 6 tháng qua. Thực tế này gây nhiều khó khăn trong quản lý điều hành, nhất là với một trường đại học lớn. Một cán bộ nhà trường cho biết, tháng trước, Trường tổ chức bảo vệ luận án tiến sỹ cho một số nghiên cứu sinh, theo quy định, thì Hiệu trưởng là người ra quyết định thành lập hội đồng chấm luận án, nhưng một vị phó hiệu trưởng phải ký thay, lại đề là “thừa lệnh Hiệu trưởng”, khiến cho ai cũng phì cười, vì đã có Hiệu trưởng đâu mà “thừa lệnh”.
Đây là việc nhỏ, còn những việc lớn như các chủ trương, dự án hợp tác với đối tác nước ngoài trong giảng dạy, nghiên cứu… của trường, hiện tại, không ai dám ký vì không đúng thẩm quyền. Sắp tới, nhiều bằng cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ, cũng sẽ không có người ký, vì theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2012, các văn bằng này phải do Hiệu trưởng quyết định cấp.
Mặc dù vậy, đến nay, câu hỏi: “Bao giờ Đại học Bách khoa Hà Nội có Hiệu trưởng?” dường như vẫn chưa có lời giải.
Theo Duy Hữu/Báo Đầu Tư
Nguồn: http://baodautu.vn/dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-bao-gio-co-hieu-truong-d25831.html