1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhân viên ưa thích điểm gì ở sếp mình?

Tờ Business Insider đã thực hiện một cuộc phỏng vấn nhỏ. Tất cả cùng một câu hỏi: “Bạn thích/nể phục điểm gì ở sếp bạn?”

Nhân viên ưa thích điểm gì ở sếp mình? - 1

Tờ Business Insider đã thực hiện một cuộc phỏng vấn nhỏ với các nhân viên thuộc các ngành nghề khác nhau, ở nhiều vị trí khác nhau. Tất cả cùng một câu hỏi: “Bạn thích/nể phục điểm gì ở sếp bạn?”

Kết quả là, những điểm mà nhân viên ưa thích thường là những điều bình dị, thân thuộc diễn ra hàng ngày trong giao tiếp công việc, không hề là những điều “đao to búa lớn” mang tầm vĩ mô như chiến lược hay tầm nhìn của người lãnh đạo.

Và dưới đây là một số câu trả lời:

“Tôi có thể trao đổi bất kỳ điều gì với sếp tôi”

Mike Gnitecki - nhân viên chữa cháy và chăm sóc y tế - chia sẻ rằng, có một số người lãnh đạo thường tự nhận mình rất ‘thoáng’ với nhân viên, nhưng thực tế thường không được như vậy. Tuy nhiên sếp của anh lại thực sự có những ưu điểm này. Nhân viên có thể tìm gặp sếp và trao đổi bất kỳ điều gì.

Gnitecki cho rằng đây là một trong những tố chất của người lãnh đạo tốt bởi khi ấy, nhân viên sẽ không còn sợ sệt, e dè khi bày tỏ những thắc mắc và lo lắng đến sếp của mình.

“Sếp luôn dành thời gian cho tôi và mọi nhân viên khác”

Mike Sheety, giám đốc vận hành của ThatShirt.com, chia sẻ: “Tôi rất ngưỡng mộ sếp của mình khi cô ấy luôn dành thời gian cho tôi và các nhân viên khác. Điều này giúp mọi người đều cảm nhận được giá trị của chính mình”.

Thêm vào đó, Sheety cho biết sếp của mình sẽ không ngó lơ bất kỳ điều gì đang cần được thảo luận. Với Sheety, cách lãnh đạo này tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp giữa sếp và nhân viên. Các nhân viên luôn có cảm giác mình được lắng nghe, được xem trọng, và là một phần quan trọng của toàn công ty.

“Sếp tôi luôn tươi cười. Tôi thích điều đó”

Bracha Goetz, điều phối viên, cho biết cô thích không khí làm việc tràn đầy sự lạc quan kể từ khi sếp mới của cô được bổ nhiệm.

Theo cô, điều này giúp các nhân viên cảm nhận được người sếp đang tận hưởng công việc. Kéo theo đó, nhân viên cũng sẽ có cảm giác tương tự.

“Tôi may mắn khi có một người sếp không gò bó nhân viên”

Hiba Beydoun hiện đang là nhà sáng lập kiêm CEO một công ty truyền thông. Beydoun cho biết sếp cũ của cô rất tin tưởng cô và không hề giám sát từng li từng tí. Điều này giúp cô làm việc sáng tạo hơn và năng suất hơn. 

Mặc dù ở thời điểm đó, cô chỉ mới vừa tốt nghiệp, thế nhưng sếp vẫn tin tưởng và để cô dẫn dắt cả một phòng ban trong công ty. Cô trở thành người trẻ nhất (đồng thời là người phụ nữ đầu tiên) trong ban lãnh đạo của một đơn vị quy mô 3.000 nhân viên.

Với Beydoun, công việc này đã đem đến những trải nghiệm rất quý giá trong cuộc đời. Sếp đã cho phép cô tham vọng và giúp đỡ cô đạt được mục tiêu của mình.

“Sếp của tôi không hề chỉ thị từng li từng tí. Tôi thích điều đó”

Adam Jacobs, quản lý dự án, cho biết anh rất thích sếp của mình bởi sếp luôn cho anh quyền tự thực hiện dự án sau khi cung cấp những công cụ cần thiết.

Theo Jacobs, bởi vì bản thân anh làm việc từ xa, vậy nên điều này giúp anh cân bằng hơn những trách nhiệm mà anh đang có. Trong khi đó, sếp cũ của anh luôn yêu cầu phải báo cáo công việc từng phút một, gây lãng phí thời gian và năng lượng của anh.

“Sếp thực sự quan tâm và đưa ra những phản hồi có ích”

Theo Veronica, sếp của cô rất công bằng và minh bạch. Khi nhân viên nói chuyện với người sếp này, họ luôn cảm nhận sự quan tâm thật lòng, đồng thời nhận được những phản hồi có ích. Điều này giúp việc lãnh đạo trở nên có ý nghĩa bởi người nhân viên cảm thấy rằng công việc mình đang làm là có nghĩa và mình được đối xử tôn trọng.

“Ông ấy luôn quan tâm mọi việc”

Theo Brittany Hardy, sếp cũ của cô là một người rất đam mê công việc. Ông ấy có thể biến áp lực công việc thành động lực, thành niềm đam mê. Không chỉ đam mê về chất lượng công việc, sếp của cô còn truyền niềm đam mê đến tất cả đồng nghiệp. 

Hardy chia sẻ rằng, sếp của cô có cách riêng để biến những điều đơn giản thành lời cảm ơn đến toàn đội ngũ khi hoàn thành tốt công việc. Đó có thể là một voucher Starbucks, hoặc một thẻ mua hàng Amazon.

Hardy cho biết: “Ngày nay, tôi cảm giác rằng mọi người đều nghĩ chúng ta cần được động viên bằng những khoản lương lớn hơn hoặc các kỳ nghỉ. Tuy nhiên một người lãnh đạo thực thụ sẽ biết cách truyền cảm hứng cho nhân viên bằng mọi cách, mọi cấp độ. Và người sếp cũ của tôi đã thực hiện được điều đó. Tôi cũng áp dụng cách thức tương tự với công ty hiện tại của mình.”

“Sếp luôn công nhận những đóng góp của tôi và luôn bên tôi khi mọi thứ không như ý”

Susan Stitt, giám đốc marketing của Front Edge Publishing, cho biết cô rất ngưỡng mộ sếp của mình bởi người ấy rất hào phóng trong việc khen ngợi.

Theo Susan, sếp của cô luôn rất phấn khởi và dành lời khen khi cô hoàn thành tốt công việc. Khi mọi thứ không như ý, sếp luôn bên cạnh động viên.

Theo Hải Vy/Diễn đàn Doanh nghiệp