Quản lý Gen Z ngán cảnh "trên răn dưới đe", lương cao không đủ giữ ghế
(Dân trí) - "Lãnh đạo thì cứng rắn, nhân viên thì đòi nhẹ nhàng, tình cảm, một quản lý cấp trung như tôi cảm thấy rất mệt mỏi khi phải đứng giữa, sao để vừa lòng cả hai phía", một Trưởng phòng marketing than.
Làm sếp vẫn rơi lệ
Đồng hồ điểm 22h, Bảo Kỳ (28 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM) vẫn còn ngồi trước màn hình máy tính. Là Trưởng phòng marketing cho một chuỗi nhà hàng nổi tiếng ở TPHCM, Kỳ cho biết công việc của cô lúc nào cũng bận rộn, hầu như ngày nào cũng phải tăng ca, thậm chí là làm việc thông cuối tuần.
Thế nhưng, điều khiến nữ trưởng phòng cảm thấy áp lực nhất không phải khối lượng lớn công việc, mà là tình thế "gọng kìm", đứng giữa lãnh đạo cấp cao và nhân viên. Mặc dù được trả mức lương khá cao, nữ trưởng phòng không khỏi ngán ngẩm.
Những quản lý cấp trung như Bảo Kỳ vừa phải chịu trách nhiệm truyền tải đầy đủ chỉ đạo của cấp trên, vừa đảm bảo cấp dưới hoàn thành công việc đúng tiến độ trong sự tự nguyện, vui vẻ.
Tuy nhiên, nữ trưởng phòng cho biết để cân bằng được giữa hai bên phải đánh đổi bằng thời gian, thậm chí là không ít nước mắt. Tình huống điển hình nhất mà cô thường gặp chính là lãnh đạo luôn muốn siết chi phí trong khi nhân viên liên tục đòi tăng lương, thưởng.
"Nhân viên do tôi quản lý có người nhỏ tuổi hơn, cũng có người lớn tuổi hơn. Tính cách của mỗi người lại khác nhau nên tôi phải thăm dò, xem xét để điều chỉnh cách giao việc, hướng dẫn sao cho phù hợp. Cứng rắn quá không được, mà mềm mỏng quá cũng chẳng xong.
Một số người còn khó chịu, tỏ ra không hài lòng khi bị sếp nhỏ tuổi hơn nhắc nhở. Thế nhưng, họ không hiểu rằng nếu bản thân họ không hoàn thành nhiệm vụ, vị sếp "trẻ" ấy mới là người bị khiển trách", Bảo Kỳ bộc bạch.
Trường hợp nhân viên chưa hoàn thành nhiệm vụ hay mắc lỗi, chính cô phải tự đứng ra giải quyết.
Trong khi đó, lãnh đạo lại cứng rắn, chỉ quan tâm kết quả mà không hiểu năng lực thực tế của đội ngũ, vô tình gây áp lực lên người quản lý. Thậm chí, nhiều trường hợp sếp còn làm việc trực tiếp với nhân viên, bỏ qua cô luôn. Điều này khiến Bảo Kỳ cảm thấy lung lay niềm tin về sự trao quyền.
Trả ghế hay phá thế gọng kìm?
Quang Minh (30 tuổi, ngụ tại TPHCM), Trưởng phòng tại một công ty truyền thông, cũng gặp không ít khó khăn khi mới lên chức quản lý.
Tuy nhiên, sau một thời gian rút kinh nghiệm, anh cho rằng người quản lý cấp trung không nên ngại chia sẻ mà hãy mềm mỏng bày tỏ quan điểm. Từ đó, họ có thể đạt được sự thấu hiểu từ lãnh đạo cũng như nhân viên.
"Ngoài ra, công ty cũng nên xem xét đào tạo kỹ năng quản lý cho họ. Nhiều tổ chức chỉ đào tạo cho nhân viên mà quên mất lực lượng quản lý cũng cần được quan tâm, nhất là về cơ hội học tập và rèn luyện.
Trước khi làm quản lý, họ cũng chỉ là một nhân viên nên thời gian đầu không thể tránh khỏi chuyện thiếu kinh nghiệm. Tôi từng chứng kiến nhiều người phải tự đăng ký khóa học quản trị nhân sự để vượt qua áp lực, nhưng cũng không ít người thực sự bế tắc, đành phải "trả ghế", anh Minh kể.
Theo bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành & Truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe, quản lý cấp trung là nhóm những người đi làm chịu áp lực và căng thẳng nhất. Đó là những người nằm trong thế "gọng kìm", bị "kẹp" giữa lãnh đạo cấp cao và nhân viên của họ.
Khảo sát của Anphabe cho thấy 46% quản lý cấp trung tại Việt Nam đang cảm thấy áp lực. Trong số đó, 31% người tham gia khảo sát bày tỏ ý định chuyển việc; 12% xúc tiến tìm kiếm công việc mới; 11% nghĩ đến chuyện nghỉ việc trong 6 tháng tới.
Những vấn đề mà các quản lý cấp trung đang gặp phải là thách thức về niềm tin, sự trao quyền và công nhận. Chỉ có 39% quản lý cấp trung tham gia khảo sát cảm thấy tự tin vào năng lực.
"Để giữ chân những quản lý cấp trung có năng lực, lãnh đạo cấp cao phải nhận ra những trở ngại với nhân sự và hỗ trợ giải quyết. Quan trọng nhất là đào tạo, gia tăng năng lực cho họ", bà Thanh Nguyễn nói.
Phan Hằng - Nguyễn Vy