Nhân lực trình độ cao giống lao động phổ thông là... dễ mất việc
(Dân trí) - Trong số hơn 26.000 người mất việc và được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý I/2024 có đến 50% là lao động phổ thông và 35% là người có trình độ đại học trở lên.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, trong quý I/2024, thành phố có 28.535 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 26.142 người.
Ngành nghề có số lượng người thất nghiệp cao nhất là các hoạt động dịch vụ với 13.101 người, chiếm 53,5% tổng số lao động mất việc. Đứng thứ 2 là người làm trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 7.883 người, chiếm 32,19%.
Đáng lưu ý, thống kê theo trình độ của lao động mất việc cho thấy lao động phổ thông và người trình độ cao rất dễ mất việc.
Cụ thể, có đến 12.184 lao động phổ thông không có bằng cấp chứng chỉ mất việc, chiếm 50% tổng số người đăng ký thất nghiệp trong quý I/2024. Tỷ lệ này ở nhóm lao động có trình độ đại học và trên đại học là 35% với 8.483 người.
Trong khi đó, lao động có trình độ nghề lại rất ít mất việc. Cụ thể, chỉ có 512 người lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp đăng ký thất nghiệp trong quý I/2024, chiếm 2%. Tỷ lệ này ở nhóm lao động có trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp là 5% với 1.124 người. Nhóm lao động có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là 2.187 người, chiếm 9%.
Những thông số trên cho thấy, lao động không có nghề và người có bằng cấp đại học trở lên dễ bị sa thải hoặc chuyển việc, còn lao động có trình độ nghề rất ít chuyển đổi công việc và doanh nghiệp cũng ít khi sa thải nhóm này.
Nguyên nhân là nguồn cung của nhóm lao động trình độ nghề rất khan hiếm. Trong khi đó, nhu cầu chủ yếu của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM là lao động có trình độ nghề.
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong quý I/2024 có 14.300 lượt doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng nhân sự cho 82.600 chỗ làm việc.
Trong số đó, nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên cần 17.594 chỗ làm việc, chiếm 21,3% tổng nhu cầu nhân lực; nhu cầu nhân lực trình độ nghề (từ sơ cấp đến cao đẳng) là 53.838 chỗ làm việc, chiếm 65,2% tổng nhu cầu nhân lực; lao động phổ thông cần 11.168 chỗ làm việc, chiếm 13,52%.
Trong khi đó, trong quý I/2024 có 37.235 người đăng ký tìm kiếm việc làm thì hầu hết là người có trình độ đại học trở lên.
Cụ thể, có đến 23.242 người tìm kiếm việc làm có trình độ đại học trở lên, chiếm 62,4% tổng số người tìm việc; nhóm tìm việc có trình độ nghề (từ sơ cấp đến cao đẳng) là 12.954 người, chiếm 34,8% tổng số người tìm việc.
So sánh cung cầu lao động theo trình độ chuyên môn trong quý I/2024 có thể thấy rõ sự chênh lệch đang ở mức độ cao.
Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ đại học trở lên là 21,3% tổng cầu mà tỷ lệ người tìm việc trình độ này chiếm đến 62,4% tổng cung. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ nghề là 65,2% tổng cầu mà tỷ lệ người tìm việc trình độ này chỉ là 34,8% tổng cung.
Chính sự chênh lệch cung cầu này trên thị trường lao động khiến tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ nghề rất thấp, còn lao động phổ thông và trình độ đại học trở lên dễ mất việc.