Nguyên nhân các vụ tranh chấp lao động tập thể ở TPHCM

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Từ đầu năm 2023, TPHCM xảy ra 6 vụ tranh chấp lao động tập thể, tất cả đều diễn ra trước Tết nguyên đán Quý Mão.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, trên địa bàn thành phố không xảy ra tranh chấp lao động tập thể trong tháng 5.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 6 vụ tranh chấp lao động tập thể với 1.619 người tham gia. Trong đó, Quận 7 và Bình Tân xảy ra 2 vụ/quận; huyện Bình Chánh và thành phố Thủ Đức xảy ra 1 vụ/quận.

Số vụ tranh chấp trong 5 tháng đầu năm 2023 bằng với cùng kỳ năm 2022 nhưng giảm về quy mô (5 tháng đầu năm 2022 xảy ra 6 vụ với 2.786 người tham gia).

Theo báo cáo, từ sau Tết nguyên đán Quý Mão đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra tranh chấp lao động tập thể. Cả 6 vụ theo thống kê trên đều xảy ra trong thời điểm trước Tết Nguyên đán năm 2023.

Nguyên nhân các vụ tranh chấp lao động tập thể ở TPHCM - 1

Hàng trăm công nhân một công ty sản xuất linh kiện máy may ở quận 7 ngừng việc tập thể trong tháng 1 (Ảnh: CTV).

Các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra chủ yếu ở các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, với nguyên nhân về mức tiền lương, tiền thưởng Tết.

Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra trong thời gian ngắn và được tổ công tác tiếp cận, hỗ trợ để các bên thương lượng, giải quyết không ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Về việc làm trong nước, trong tháng 5, các thành phần kinh tế đã giải quyết việc làm cho gần 28.000 lượt người. Tính từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm cho gần 137.000 lượt người.

Về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong tháng 5, các doanh nghiệp đã đưa 447 lao động đi làm việc ở các nước. Tính từ đầu năm đến nay đã có 3.349 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cũng theo báo cáo này, trong tháng 5, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH TPHCM đạt được một số điểm tích cực so với cùng kỳ như: tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,18%; tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,2%; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tăng 17,23%...

Ngoài ra, Sở cũng tiếp nhận và thẩm định đăng ký nội quy lao động của doanh nghiệp nhiều hơn cùng kỳ 13%. Điều này cho thấy tình hình lao động việc làm của thành phố đang có dấu hiệu phục hồi.

Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, tình hình đưa lao động ra nước ngoài làm việc cũng có dấu hiệu khởi sắc. Các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đã mở cửa, tạo cơ hội để người lao động có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm việc làm.