Sóc Trăng:

Người trồng hành tím kỳ vọng kiếm 20 triệu đồng tiền lãi vụ giáp Tết

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Những ngày này, người dân ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đang tích cực trồng vụ hành tím chính vụ. Đây là vụ hành tím được người dân kỳ vọng cả về năng suất và giá cả.

Thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) là nơi có nghề trồng hành tím nổi tiếng lâu đời ở miền Tây. Mỗi năm, người dân ở đây trồng 3 đợt hành, gồm vụ hành sớm, vụ hành chính vụ và vụ hành giống, với tổng diện tích khoảng 6.600 ha.

Trong đó, vụ hành chính vụ khoảng 5.000 ha, sản lượng trên 90.000 tấn. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi công (1.000 m2) hành tím chính vụ có thể đạt năng suất trên 2,5 tấn, cao hơn năng suất của vụ hành tím sớm gần 1 tấn mỗi công.

Người trồng hành tím kỳ vọng kiếm 20 triệu đồng tiền lãi vụ giáp Tết - 1

Người dân đang xuống giống hành tím.

Ông Thạch Siêl (người Khmer, ngụ phường 2) cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên người trồng hành chính vụ cũng hy vọng thành công như năm trước. Giá hành giống trung bình từ 60.000 đồng - 80.000 đồng/kg, chi phí đầu tư cho mỗi công hành, gồm cả làm đất, thuê người trồng và hành giống hết gần 20 triệu đồng.

Người trồng hành tím kỳ vọng kiếm 20 triệu đồng tiền lãi vụ giáp Tết - 2

Thị xã Vĩnh Châu được xem là "thủ phủ" hành tím ở Sóc Trăng.

Gia đình bà Thạch Thị Kiều Oanh (phường 2) trồng 5 công hành chính vụ, sâu bệnh không nhiều, thời tiết ổn định nên khá yên tâm. Năm nay mức giá vẫn ổn định, năng suất được như năm rồi thì sau khi trừ chi phí, người trồng hành có thể thu lãi được mỗi công từ 15 - 20 triệu đồng.

Theo bà Triệu Thị Ngọc Diễm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, đánh giá chung về hành tím mùa vụ năm nay phấn đấu đạt về sản lượng, giá bán ổn định. Thời tiết thuận lợi nên nông dân trên địa bàn thị xã đẩy nhanh tiến độ xuống giống.

Người trồng hành tím kỳ vọng kiếm 20 triệu đồng tiền lãi vụ giáp Tết - 3

Nhiều người dân địa phương có thu nhập ổn định từ hành tím.

Hướng tới của thị xã Vĩnh Châu sẽ nâng cao thu nhập cho người nông dân thông qua việc nhân rộng các mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ… giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến việc nâng cao chất lượng nông sản, tăng giá trị và mang lại nguồn thu nhập ổn định.