Người phụ nữ mở xưởng may, giữ chân công nhân ở lại quê bằng lương cao
(Dân trí) - Những lao động có tay nghề cao khi vào làm việc tại xưởng may sẽ nhận nhiều ưu đãi, mức lương khoảng 10 triệu đồng. Đây là mức thu nhập ấn tượng so với mặt bằng lao động ngành may tại địa phương.
Sau nhiều năm làm kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, phân phối tinh dầu, chị Nguyễn Thị Diệu Linh (trú tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã tích lũy cho mình kinh nghiệm trong quản lý và điều hành, quyết định phát triển sang ngành may mặc. Chị đầu tư mở xưởng may ngay tại địa phương, nhằm thu hút lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
"Thấy tiềm năng về nguồn lao động ở địa phương khá lớn trong khi chưa có nhiều có sở sản xuất để thu hút số lao động dư thừa đó càng thôi thúc tôi mở xưởng may để giải quyết việc làm cho lao động", chị Linh cho hay.
Những ngày đầu mở xưởng may, bài toán tài chính là vấn đề lớn khiến chị đắn đo, suy nghĩ. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, chị vẫn quyết định theo đuổi kế hoạch.
Chị Linh tâm sự: "Việc mở xưởng may đối với tôi là cơ duyên. Tôi được người quen giới thiệu sản xuất hàng may gia công cho một công ty lớn. Sau khi nghiên cứu kỹ, tôi quyết định vay mượn khoảng 700 triệu đồng để cải tạo nhà xưởng và đầu tư trang thiết bị máy móc, hình thành 2 dây chuyền may. Giữa năm 2021, khi xưởng may đi vào hoàn thiện tôi mới đăng thông tin tuyển dụng công nhân".
Nắm bắt nhu cầu tìm việc làm của những lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê, cơ sở may Minh Tâm do chị Nguyễn Thị Diệu Linh làm chủ sẵn sàng tuyển dụng những công nhân này vào làm việc với mức lương cao, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề... Chỉ một thời gian ngắn, cơ sở may đã tiếp nhận gần 20 lao động đăng ký vào làm việc, trong đó đa số là người về từ phía Nam.
Chị Linh cho hay, hầu hết các lao động trở về từ phía Nam có tay nghề cao nên năng suất công việc tăng lên, đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Một số lao động tại địa phương và người chưa có tay nghề cũng được hỗ trợ và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm nên đã nhanh chóng hòa nhập tốt.
Qua một thời gian hoạt động, xưởng may dần đi vào ổn định. Sản phẩm sản xuất ra được đối tác chấp nhận, nhờ đó nguồn hàng trở nên phong phú hơn. Việc duy trì sản xuất hiệu quả đã tạo ra nhiều lợi nhuận, đồng nghĩa với thu nhập của công nhân tăng lên, đời sống được đảm bảo hơn.
Từ bỏ công việc với mức lương gần 15 triệu đồng ở Bình Dương, nữ công nhân Phan Thị Thu Vương (trú tại xã Hải Trường) cũng nhanh chóng hòa nhập, làm quen với công việc tại quê nhà.
Chị Vương cho biết: "Làm việc ở quê dù mức thu nhập thấp hơn so với thành phố nhưng có nhiều điều thuận lợi, môi trường làm việc cũng tốt. Làm ở quê tôi không phải chi tiền thuê nhà trọ, các chi phí tiền điện, nước, tiền ăn... tiết kiệm được một khoản lớn, nhờ đó, lương của tôi cũng dư ra một ít để tích lũy cho tương lai".
Nhờ có tay nghề cao, sản phẩm làm ra nhiều, từ đó, chị Vương được trả mức lương từ 8-9 triệu đồng/tháng. Đây là thu nhập khá lý tưởng so với mặt bằng chung lao động ngành may mặc tại địa phương.
"Ba mẹ cũng động viên tôi làm việc ở quê cho gần nhà nên tôi đang suy nghĩ. Có thể tôi sẽ gắn bó với công việc hiện tại", chị Vương chia sẻ.
Hiện cơ sở may Minh Tâm có 30 công nhân làm việc, đến từ các địa phương trong tỉnh, đa số là công nhân trở về từ phía Nam sau đợt dịch Covid-19 lan rộng vào cuối năm 2021.
"Những công nhân làm việc tại cơ sở may có mức thu nhập trung bình từ 6-8 triệu đồng, hoặc người có tay nghề cao hơn đạt 9-10 triệu đồng", chị Linh cho hay.
Theo chị Linh, hiện công ty đang liên kết với đối tác chuyên về sản xuất may mặc lớn trên địa bàn. Đây là lợi thế rất lớn, đảm bảo nguồn hàng may xuất khẩu luôn phong phú, đầu ra ổn định.
"Tôi luôn xác định, mở ra cơ sở sản xuất để thu hút lao động vào làm việc. Nếu tạo được môi trường làm việc tốt, thu nhập cao thì người lao động sẽ gắn bó. Công nhân hăng say làm việc sẽ tạo ra nhiều sản phẩm, từ đó nâng cao lợi nhuận, để cùng nhau phát triển hơn", chị Linh bày tỏ.