1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người phụ nữ 20 năm đón giao thừa bên đống rác

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - 20 năm nghề quét rác, chỉ duy nhất một lần chị Quang đón giao thừa ở nhà, do bị gãy chân.

Ngày 30 Tết, gác lại những bộn bề công việc, người người, nhà nhà đưa nhau xuống phố sắm sửa cho cái Tết thêm rực rỡ, vẹn tròn. Trái ngược với cảnh huyên náo ấy, bóng dáng của những người lao công nhỏ nhắn khuất dạng trên con đường bị bóng tối nuốt chửng vẫn lầm lũi, cần mẫn làm công việc thu gom rác thải.

Người phụ nữ 20 năm đón giao thừa bên đống rác  - 1

Những ngày cận Tết, sự xuất hiện của những công nhân vệ sinh môi trường đẩy xe qua từng con phố trở nên lẻ loi và đơn độc hơn bao giờ hết (Ảnh: Mạnh Quân).

Giao thừa không người thân

Thấm thoát đã 20 năm trong nghề, chị Ngô Thị Quang, tổ trưởng tổ môi trường 5, Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hà Nội - chi nhánh Đống Đa vẫn luôn tất bật từng ngày với công việc mà nhiều người cho rằng "bẩn nhất hành tinh" này.

Ngày thường công việc này vốn dĩ đã vất vả thì những ngày cận Tết, lượng rác thải tăng lên gấp nhiều lần khiến chị Quang và đồng nghiệp nhiều khi "trở tay không kịp".

Người phụ nữ 20 năm đón giao thừa bên đống rác  - 2

Chị Quang, tổ trưởng tổ môi trường 5, Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hà Nội 20 năm trong nghề là 20 lần chị đón giao thừa ngoài đường (Ảnh: Văn Định).

Với nhiều người, giao thừa là thời khắc quây quần bên gia đình, người thân, cùng nhau xem bắn pháo hoa chào đón năm mới. Tuy nhiên, với những công nhân môi trường vào những ngày đó công việc của họ lại vô cùng bộn bề.

Đẩy chiếc xe rác đồ sộ gấp vài lần so với thân hình, chị Quang kể, suốt 20 năm gắn bó với nghề là từng đấy thời gian chị đón giao thừa ngoài đường với vô số kỷ niệm đáng nhớ.

Công việc tuy đặc thù nhưng những người lao công như chị Quang vẫn có cách đón giao thừa đặc biệt. Năm nào chị cũng được phân công làm nhiệm vụ thu gom rác tại khu vực hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa). Đây cũng là điểm tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới. Chính vì thế cảm xúc của chị cùng nhiều công nhân khác vô cùng đặc biệt.

"Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chúng tôi tự đưa ra quy định, 12h không ai được cầm chổi, xẻng cho tới 12h30. Mọi người tự nhắc nhau không được xông đất sớm, làm gì thì làm cũng phải qua giờ đó", chị Quang cười.

Người phụ nữ 20 năm đón giao thừa bên đống rác  - 3

Công việc của những công nhân vệ sinh môi trường bắt đầu lúc 17h chiều khi những chiếc xe rác còn "trống bụng" tới khi từng đoàn xe ngập rác trở về địa điểm tập kết (Ảnh: Mạnh Quân).

Giao thừa xong, khi mọi người đều trở về nhà thì những người lao công lại bắt tay vào dọn thùng pháo, quét dọn đường phố, khi họ trở về nhà cũng đã 3-4h sáng.

Suốt 20 năm, chị Quang chỉ duy nhất 1 lần đón giao thừa ở nhà nhưng trớ trêu chị được ở nhà vì trong lúc đi quét rác ở đường Nguyễn Chí Thanh bị một thanh niên ngủ gật tông gãy chân.

"Năm đó tôi phải nghỉ làm mất 11 tháng. Đến giờ chiếc đinh đóng ở chân vẫn còn. Còn lại bao năm qua tôi vẫn chào đón năm mới ngoài đường", chị Quang chia sẻ.

Đồng nghiệp chính là gia đình đêm 30

30 Tết là thời điểm hầu hết mọi người đều đã trở về bên gia đình, quây quần và sum họp bên mâm cơm cuối năm. Thế nhưng đâu đó trên đường phố vẫn còn những người chưa thể về với gia đình.

Người phụ nữ 20 năm đón giao thừa bên đống rác  - 4

Tết là thời gian đoàn tụ với gia đình, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều người vì công việc chưa thể về (Ảnh: Mạnh Quân).

Chị Nguyễn Ngọc Anh (31 tuổi, quê Hải Dương) 8 năm gắn bó với công việc làm công nhân môi trường cũng từng đó thời gian chị chưa một lần đón giao thừa bên gia đình, người thân.

"8 năm rồi, Tết chỉ có chồng đưa các con về quê còn mình thì vẫn tiếp tục công việc như những ngày thường. Vào ngày này được đi làm còn đỡ buồn chứ ở nhà trọ buồn tủi, nhớ nhà, cảm giác khó tả lắm", chị Ngọc Anh nghẹn ngào.

Nét mặt của chị lao công ngoại trừ một chút mệt mỏi sau ngày dài làm việc thì không hề có bất kì sự phiền muộn nào, như thể với chị đây là công việc hiển nhiên phải thực hiện, không vì thế mà buồn lòng.

Suốt những năm đón giao thừa ngoài đường, cái Tết năm 2020 với chị Ngọc Anh và đồng nghiệp là kỉ niệm không bao giờ quên. Đúng giao thừa hôm ấy, Hà Nội hứng chịu trận mưa đá chưa từng có, những người đang làm việc ngoài đường mưa không kịp chạy.

Người phụ nữ 20 năm đón giao thừa bên đống rác  - 5

Tết với những công nhân môi trường, được đi làm còn đỡ buồn chứ ở nhà trọ buồn tủi, nhớ nhà (Ảnh: Mạnh Quân).

Vào dịp năm mới, thi thoảng có người lại động viên, chúc mừng năm mới, điều đó với những công nhân như chị vậy là đủ ấm áp.

"Có người đi ngang qua chỗ mình đang làm việc gửi lời chúc mừng năm mới, có người dừng xe lại lì xì 20 nghìn cùng lời chúc Tết, có vậy thôi nhưng thấy ấm áp vô cùng. Đó cũng là động lực để mình tiếp tục công việc của mình", chị Ngọc Anh tâm sự.

Chia sẻ về công việc ngày cuối năm, chị Ngọc Anh trải lòng, công việc này vất vả lại thiếu nhân lực nên gần như cả năm chị không có ngày nghỉ. Cũng có lúc nản nhưng yêu nghề nên tự động viên nhau cố gắng.

"Mấy tháng không có ngày nghỉ, nhà có việc cũng không nghỉ được. Mình phải cố gắng thì anh chị em mới cố gắng cùng mình được, nếu mình bỏ cuộc thì chị em bỏ hết.

Công việc bận tới đâu thì bận, tôi có thể ra muộn chứ chưa đùn đẩy công việc của mình cho ai. Có những hôm 3-4h sáng vẫn lang thang quét rác là chuyện bình thường", chị Ngọc Anh nói.

Người phụ nữ 20 năm đón giao thừa bên đống rác  - 6

Những công nhân môi trường luôn tự động viên nhau rằng: "Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, công việc nặng nhọc sẽ dành lại cho ai" (Ảnh: Mạnh Quân).

Vẫn biết, mỗi người đều có những công việc riêng với những yêu cầu cụ thể không thể thay đổi, bởi đó là công việc mưu sinh, là miếng cơm manh áo của mỗi người. Tết là ai chẳng muốn được ở bên người thân, gia đình nhưng những người lao công họ bảo: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai".

Và với những người làm công việc này, chuyện đón giao thừa ngoài đường, tất niên không có người thân đã là điều quen thuộc. Khi đó với họ, anh chị em đồng nghiệp chính là gia đình đêm 30.