Tết của nữ công nhân quét rác đêm giao thừa
(Dân trí) - Khi mọi người quây quần bên gia đình để chờ đón thời khắc giao thừa thì những công nhân quét rác vẫn miệt mài với công việc. Tết của họ là đường phố luôn xanh, sạch trong những ngày xuân.
Công việc "không ngủ"
Đêm 30 Tết, trên tuyến đường Tuệ Tĩnh (quận 11, TPHCM), chị Kim Thị Hồng (32 tuổi) vẫn chăm chỉ quét rác giữa dòng xe qua lại.
Mọi người đang nô nức trở về nhà để đón giao thừa nhưng với chị Hồng giao thừa là khi thành phố đã sạch đẹp. Công việc này đã cho chị thu nhập đủ để nuôi gia đình nhiều năm qua.
Năm 2017, chị lấy chồng và chuyển sang làm công nhân vệ sinh thành phố. Nguyên nhân chị chọn công việc này do gia đình chồng nhiều người làm công việc này. Sau khi phỏng vấn, chị được nhận vào làm tại Công ty Dịch vụ Công ích quận 11 và theo nghề đến nay.
"Tôi rất thích công việc này. Với tôi đây là công việc rất ý nghĩ vì giúp cho đường phố sạch đẹp hơn", chị Hồng tâm sự.
Chị Hồng cho biết, mức lương hiện tại khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Dịp Tết, chị được thưởng lương tháng 13 và một phần quà để cùng với gia đình ăn Tết. Dù với nhiều người mức lương này không cao nhưng với gia đình chị cũng tạm đủ.
"Khó khăn nhất của công nhân vệ sinh là thường xuyên phải thức khuya vì số lượng công việc quá nhiều. Đối với những tuyến đường lớn thì sẽ có 2 - 3 người cùng làm, những tuyến đường nhỏ thì chỉ có một người làm. Lúc đó, xe đẩy rác chính là người đồng nghiệp duy nhất bên cạnh mình", chị Hồng tâm sự.
Cùng với đó người công nhân vệ sinh còn phải chịu ảnh hưởng từ khói, bụi và đặc biệt là tiếp xúc với nhiều chất thải nên cũng dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Người công nhân còn phải đối mặt với nguy hiểm từ chính người tham gia giao thông.
"Vào mấy tháng trước, mình và một anh đồng nghiệp đang quét rác trên đường thì một xe máy bất ngờ tông trúng hai anh em. May mắn mình không sao nhưng anh đồng nghiệp bị thương nặng. Đến giờ anh ấy vẫn đang điều trị trong bệnh viện", chị Hồng chia sẻ.
Tết là khi thành phố đã sạch đẹp
Vào những dịp lễ Tết, khối lượng rác trên đường cũng tăng theo. Vì vậy, công việc của những công nhân quét rác cũng vất vả hơn. Giao thừa với mọi người là được ở bên gia đình còn giao thừa với các công nhân quét rác là đường phố và cây chổi.
"Vào những dịp giao thừa, rác từ những chỗ bán hoa, trái cây sau khi họ bán xong thì còn thừa lại rất nhiều. Mình và các đồng nghiệp trong tổ cũng vất vả để dọn dẹp trả lại mặt đường như ban đầu. Công việc xong mới an tâm về nhà được", chị Hồng cho biết.
Giao thừa những năm trước, khi nghe tiếng pháo hoa nổ trên bầu trời chị Hồng cũng cao thấy xao xuyến. Tuy vậy, vì công việc mưu sinh, vì trách nhiệm với nghề chị lại gạt nước mắt để hoàn thành nhiệm vụ.
"Mình cũng thấy tủi thân lắm nhưng nghĩ còn nhiều anh em đồng nghiệp cũng đang căng mình làm việc nên cũng được an ủi chút ít. Sau khi xong việc thì mình lại về ăn Tết cùng gia đình lúc đó vẫn chưa muộn. Thông thường mình sẽ về nhà khoảng 2h sáng", chị Hồng tâm sự.