Tiếng còi tàu "xé nát con tim" nữ gác chắn đêm Giao thừa
(Dân trí) - Những chuyến tàu dịp Tết đang hối hả đưa dòng người xa xứ về quê sau một năm làm lụng vất vả. Tuy vậy, đằng sau đó là những ánh mắt rướm lệ của những người gác chắn tàu...
Giao thừa nghe tiếng còi tàu
Đồng hồ điểm 21h, chị Đoàn Thị Hà (35 tuổi, quê Hà Tĩnh) nhanh tay đội mũ, khoác áo phản quang rồi thoăn thoắt chạy tới hạ thanh chắn, ngăn dòng người qua lại.
Chị My - đồng nghiệp trong ban trực tối nay, dùng điện thoại kiểm tra camera an ninh, xem tàu đã chạy gần đến chưa. Chị Hà kiểm tra thiết bị lại một lần nữa, nhận lệnh gật đầu từ My, chị kích hoạt chuông cảnh báo đường bộ khi có tàu sắp tới.
Những ngày giáp Tết, các chuyến tàu xuôi ngược Bắc - Nam được triển khai nhiều hơn bình thường. Trung bình một ngày có 25-30 lượt tàu qua lại, nhưng dịp Tết có thể nhiều hơn. Bản thân chị Hà và đồng nghiệp phải tập trung hơn, không để bất kỳ sai sót nào xảy ra.
Mỗi ban trực sẽ có 1-2 người hoặc nhiều hơn cùng làm nhiệm vụ. Trạm trực vỏn vẹn 10m2, được bố trí như căn nhà thu nhỏ để nhân viên trong ca trực có thể nghỉ ngơi, ăn uống.
"Công việc này nhẹ nhàng nhưng rất áp lực. Vì trách nhiệm quá lớn, chúng tôi tuyệt đối không để bất kỳ sai phạm nào trong công việc. Nếu chậm một vài phút thôi cũng để lại hậu quả khôn lường", chị Hà nói.
Đêm nay, chị Hà trực tại trạm gác chắn Lê Văn Sỹ, quận 3, TPHCM. Ngày Tết có nhiều chuyến tàu, ca trực từ 12 tiếng/ngày, nay đã tăng 24 tiếng. Ca làm việc cứ thế xen kẽ, ngày làm ngày nghỉ. Sự vất vả này, chị Hà bỏ ra để nhận mức lương 8 triệu đồng và thưởng Tết 1 tháng lương.
"Công việc này phải thức đêm nên ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều lắm. Đặc biệt là phụ nữ, da tôi giờ cũng sần sùi, môi thì nhợt nhạt luôn", chị Hà cười nói.
Cầm chiếc đèn đỏ hộp vuông giơ lên cao, đoàn tàu xình xịch chạy vù qua, cổ họng chị Hà lại nghẹn ngào. Mỗi khoảnh khắc như vậy, chị Hà vui buồn lẫn lộn. Vui vì bản thân bảo vệ được người dân an toàn khi tàu chạy qua. Nhưng cũng buồn vì chuyến tàu đưa người về quê ấy, lại không có mình trên đó.
"Năm nay lại xa quê rồi. Cũng nhớ nhà lắm nhưng nhiệm vụ thì phải làm, vì thiếu người quá. Ngày Tết thì phải làm suốt, không anh em nào được nghỉ hết ấy", chị Hà kể.
Mỗi lần vào ca trực, có thời gian rảnh là chị Hà đều nghĩ về gia đình. "Không biết giờ ba mẹ đang làm gì. Mấy đứa nhỏ đã ngủ chưa. Thường thì giao thừa ba mẹ hay cúng lạy tổ tiên, rồi ngồi quanh mâm cỗ, ngồi bàn về chuyện năm qua, cảm giác ấm cúng lắm. Vậy mà giao thừa năm nay lại ở xa nhà hàng trăm cây số, gió rít từng cơn, lạnh lẽo lắm", chị Hà nghẹn ngào.
Chị Hà chia sẻ, hạnh phúc nhất ở nghề chính là không có vụ tai nạn nào xảy ra. Bởi nghề này không phải làm cho xong, mà dù có mưa bão, nắng mưa cũng phải lao ra hoàn thành nhiệm vụ.
Vì cuộc sống ấm no
Mở điện thoại ra xem, chị Hà thấy nhớ gia đình. Tết Nguyên đán 2023, chị định bụng nhờ chồng đón các con đến trạm trực, rồi cùng nhau đón giao thừa. Do quá bận rộn, nhà cửa cũng chỉ mới trang hoàng được chút ít, chỉ là bánh, mứt và trái cây đơn giản.
Trong phòng trực, quà Tết, lịch năm mới đã treo đầy phòng. Bốc vội hộp mứt ngồi nhâm nhi, chị Hà thở dài nhìn dòng người hối hả, người bưng chậu vạn thọ, người cầm bao lì xì chạy về nhà trưng Tết.
"Bản thân mình trực gác chắn là để bảo đảm an toàn cho người dân, nhưng không phải ai cũng hiểu và cảm thông. Nhiều khi kẹt xe, tôi lao ra hướng dẫn người đi đường, để tranh thủ hạ gác chắn nhưng bị người ta chửi, đe dọa đòi đánh. Ngẫm cũng buồn lắm, nhưng phải thật nhanh, vì chậm một chút thôi là hậu quả rất lớn", chị Hà bộc bạch.
Năm 2010, chị Hà cùng chồng vào TPHCM lập nghiệp. Thoạt đầu, chị xin vào làm công nhân cho công ty sản xuất gỗ, với mức lương cơ bản 5 triệu đồng (chưa tăng ca). Vài năm sau, thấy công việc nặng nề, lương lại thấp nên chị nghỉ việc.
Chồng chị Hà làm nhiệm vụ ở trạm gác chắn tàu, nên chị Hà tìm hiểu rồi xin theo. Mới vào làm, công việc cũng không quá khó khăn. Vì hai vợ chồng làm cùng lĩnh lực nên có thể thấu hiểu, giờ giấc sinh hoạt cũng không thành vấn đề.
Song, từ khi có 2 đứa con, chồng chị phải nghỉ việc đi làm tài xế công nghệ, để có thời gian đưa đón con mỗi ngày. Cả hai thay phiên nhau quán xuyến việc nhà, dù hơi vất vả nhưng cũng đủ đầy.
Thu nhập của chồng không ổn định, nên kinh tế gia đình chỉ đủ ăn. Vợ chồng chị gắng gượng động viên nhau, kiếm nhiều tiền lo cho con đến nơi đến chốn.
Khi được hỏi sẽ làm công việc này đến khi nào, chị Hà lắc đầu, không rõ.
"Làm việc gì cũng vậy, đã làm rồi thì cố gắng hết mình đến khi nào không thể được nữa thì thôi. Bởi lẽ, tôi cũng lỡ yêu công việc này mất rồi. Ở đây chị em cũng xa quê lập nghiệp như nhau, dễ trải lòng lắm", chị Hà bộc bạch.
Nói đến đây, đoàn tàu SE25 sắp sửa lăn tới. Chị Hà đặt điện thoại xuống, lại kiểm tra bảng kế hoạch giờ tàu và ghi chép lại. Ngó thấy gương mặt rạng rỡ của những người trên tàu, dù chỉ lướt qua vài giây, chị Hà cũng nở nụ cười, mãn nguyện.
Thời khắc giao thừa, chị và đồng nghiệp định sẽ đón năm mới cùng nhau. Lãnh đạo cũng đến từng trạm gác để kiểm tra, lì xì, động viên. Điều này làm anh em cảm thấy rất ấm áp và yên tâm thực hiện nhiệm vụ.