Thanh Hóa:

Người lao động từ vùng dịch về được hỗ trợ những gì sau khi hết cách ly

Trần Lê

(Dân trí) - Được tiếp cận thông tin, đào tạo nghề, tham gia sàn giao dịch, vay vốn… Đó là những phương án được đưa ra nhằm hỗ trợ người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thanh Hóa vừa có phương án trình UBND tỉnh này về đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.

Việc hỗ trợ NLĐ trở về từ vùng dịch được đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính giúp NLĐ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.

Theo phương án của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, trước hết, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chương trình: Học nghề, giải quyết việc làm về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, các dự án trên địa bàn, tạo điều kiện cho NLĐ tiếp cận với những thông tin về thị trường lao động để lựa chọn một việc làm thích hợp.

Người lao động từ vùng dịch về được hỗ trợ những gì sau khi hết cách ly - 1

Để hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ trở về từ vùng dịch bị mất việc làm, ngành chức năng sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho NLĐ.

Cùng với đó, tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.

Theo Sở LĐ-TB&XH, dự kiến tổng số lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch có nhu cầu việc làm và học nghề là 10.300 người (chiếm 62,4%). Trong đó, số lao động có nhu cầu đào tạo nghề là 1.200 người, số lao động có nhu cầu việc làm là 9.100 người. 

Việc hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho NLĐ trở về từ vùng dịch bị mất việc làm cũng là giải pháp được đưa ra để hỗ trợ NLĐ.

UBND cấp huyện chịu trách nhiệm thống kê, phân loại, cập nhật nhu cầu đào tạo của NLĐ trở về từ vùng dịch bị mất việc làm, xây dựng kế hoạch đào tạo, dự toán kinh phí trên cơ sở tổng hợp nhu cầu học nghề của NLĐ gửi Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí thực hiện; tiến hành giao nhiệm vụ đào tạo cho cơ sở đào tạo công lập trực thuộc hoặc đặt hàng đào tạo đối với cơ sở đào tạo công lập không phải là đơn vị trực thuộc hoặc cơ sở đào tạo ngoài công lập.

Để hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ trở về từ vùng dịch bị mất việc làm, ngành chức năng sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho NLĐ.

Sở LĐ-TB&XH sẽ nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, nhu cầu việc làm, học nghề của NLĐ. Trên cơ sở diễn biến của tình hình dịch bệnh, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ, kết nối cung - cầu lao động theo các hình thức: Tư vấn trực tiếp; tư vấn tập trung; thông qua các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm; tư vấn qua điện thoại, trang thông tin điện tử.

Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thống kê, cập nhật danh sách NLĐ trở về từ vùng dịch để thực hiện tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm và thực hiện theo dõi tình trạng việc làm của NLĐ.

Một phương án được đưa ra nữa là ưu tiên vay vốn giải quyết việc làm. Theo đó, NLĐ trở về từ vùng dịch bị mất việc làm, có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm được ưu tiên vay vốn giải quyết việc làm tại Ngân hàng chính sách xã hội. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (lãi suất 0,66%/tháng), mức vay 100 triệu đồng/NLĐ, thời hạn cho vay không quá 120 tháng.

NLĐ có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm lập hồ sơ gửi Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội nơi cư trú. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm tổ chức thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt và thực hiện giải ngân theo quy định.