Thanh Hóa:
Lên phương án tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động về từ vùng dịch
(Dân trí) - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã báo cáo UBND tỉnh này phương án giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong cách ly.
Ngày 9/8, thực hiện ý kiến của ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có báo cáo phương án đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.
Theo Sở LĐ-TB&XH, số công dân Thanh Hóa trở về từ vùng dịch từ ngày 27/4 đến nay là 16.509 người, trong đó 205 trẻ em, số người ngoài độ tuổi lao động chiếm 5%. Số công dân hiện đang thực hiện cách ly là 13.202 người.
Qua khảo sát cho thấy, lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 65%). Có 20% trong số lao động này thuộc nhóm tuổi từ 41 tuổi trở lên rất khó đào tạo chuyển đổi nghề do thói quen lao động, trình độ học vấn, khả năng tiếp thu hạn chế, tâm lý ngại học nghề.
Bên cạnh đó, có khoảng 35% lao động về từ vùng dịch có giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại vùng dịch; số lao động này phần lớn vẫn còn nguyện vọng, hết dịch sẽ trở lại chỗ làm việc cũ.
Dự kiến tổng số lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch có nhu cầu việc làm và học nghề là 10.300 người (chiếm 62,4%). Trong đó, số lao động có nhu cầu đào tạo nghề là 1.200 người, số lao động có nhu cầu việc làm là 9.100 người.
Theo khảo sát của Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay là trên 20.000 lao động (trong đó lao động nữ chiếm 70%).
Một số doanh nghiệp sản xuất giày da, may mặc có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn. Trong đó, tập trung doanh nghiệp sản xuất giày da thuộc Tập đoàn Hong Fu và các doanh nghiệp may mặc.
Do yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp về trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao, chủ yếu là lao động phổ thông nên khả năng giải quyết việc làm cho lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch đáp ứng khoảng 90%.
Theo Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều cơ bản hoạt động ổn định, đảm bảo việc làm, tiền lương, chế độ cho người lao động; quan hệ lao động ở các doanh nghiệp vẫn đảm bảo ổn định, chưa có phát sinh phức tạp. Tuy nhiên, thu nhập của người lao động có xu hướng giảm so với các năm trước, do không có nhiều đơn hàng nên đơn vị không tăng ca và cố gắng duy trì cho người lao động làm đủ ngày công trong tháng…
Dự kiến trong thời gian tới, số lao động người Thanh Hóa về quê sẽ ngày càng tăng nên rất dễ xảy ra tình trạng dư thừa lao động ở những nơi cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Do đó, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly, nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội là yêu cầu cấp thiết.
Mục tiêu đặt ra là 100% người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm được tiếp cận với các nội dung hoạt động của phương án.
Phương án giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm mới; hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch bị mất việc làm; hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch bị mất việc làm.
Sở LĐ-TB&XH được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố nắm bắt nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động trở về từ vùng dịch, nhu cầu quay trở lại nơi làm việc ở tỉnh ngoài của người lao động khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Các ngành, đơn vị liên quan phối hợp tuyên truyền, khảo sát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp để kịp thời kết nối cung - cầu lao động…
Đối với người lao động trở về từ vùng dịch, cần chủ động nắm bắt thông tin, liên hệ với UBND cấp xã, các cơ quan liên quan, đăng ký các khóa học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu và khả năng của bản thân. Đăng ký nhu cầu quay trở lại nơi làm việc khi doanh nghiệp hoạt động trở lại.