Người lao động nghèo Ấn Độ long đong vì lệnh phong tỏa chống Covid-19
Chính phủ Ấn Độ đã ban hành quy định yêu cầu 1,3 tỷ dân ở nhà tránh lây lan dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây là tin không vui đối với những người lao động nhận lương theo ngày.
Theo đài BBC (Anh), Labour Chowk tại Noida bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) thường là nơi tập trung của hàng trăm người muốn tìm việc trong lĩnh vực xây dựng. Nhưng nơi đây bỗng yên ắng lạ thường từ ngày 22/3, chỉ có tiếng chim hót lảnh lót.
Một nhóm nam giới tụ tập ở góc đường Labour Chowk. Trong đó có ông Ramesh Kumar người bang Uttar Pradesh. Ông Kumar chia sẻ: “Dù biết rằng khó có người thuê nhưng chúng tôi vẫn cố tìm kiếm cơ hội. Tôi kiếm được 600 rupee (gần 200.000 đồng) mỗi ngày nhưng phải nuôi 5 miệng ăn. Chúng tôi sắp hết thực phẩm trong vài ngày tới. Biết rằng có rủi ro mắc Covid-19 nhưng tôi không thể để các con của mình đói được”.
Hàng triệu lao động nhận lương theo ngày khác cũng gặp phải khó khăn tương tự ông Kumar.
Lệnh phong tỏa toàn quốc của Thủ tướng Narendra Modi từ tối 24/3 đồng nghĩa với việc nhiều người lao động đối mặt với tình trạng không có thu nhập trong 3 tuần tới. Thậm chí, họ có thể cạn kiệt lương thực trong vài ngày tới.
Trước thực trạng này, chính phủ của Thủ tướng Modi cam kết sẽ hỗ trợ những người lao động nhận lương theo ngày. Một số bang như Uttar Pradesh, Kerala và thủ đô Delhi còn thông báo sẽ chuyển tiền trực tiếp đến tài khoản của những lao động như ông Kumar.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều thách thức. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, 90% lực lượng lao động Ấn Độ làm việc trong ngành nghề không chính thức như bảo vệ, người bán rong, thu nhặt rác, người giúp việc… Hầu hết những lao động này không có tiền lương hưu, nghỉ chế độ, bảo hiểm… Nhiều người còn không có tài khoản ngân hàng và sống dựa vào số tiền kiếm được từng ngày.
Đường sắt Ấn Độ đã ngưng hoạt động cho đến ngày 31/3. Chỉ vài ngày trước khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực, hàng trăm và hàng nghìn lao động nhập cư từ các thành phố Delhi, Mumbai và Ahmedabad đã nhanh chóng quay trở về làng quê của họ.
Các chuyên gia lo ngại điều này có thể khiến dịch bệnh lây lan và 2 tuần tới là thời điểm nhiều thách thức đối với Ấn Độ.
Ông Kishan Lal, làm nghề kéo xe tại thành phố Allahabad, cho biết đã không kiếm được tiền 4 ngày nay. Bạn của Kishan Lal - ông Ali Hasan là người dọn dẹp tại một cửa hàng, cũng chia sẻ không còn tiền để mua thực phẩm.
Ông Ali Hasan nói: “Cửa hàng đã đóng cửa từ hai ngày trước và tôi không được trả lương. Tôi không biết được khi nào cửa hàng mở cửa trở lại, thật đáng sợ, tôi có gia đình, làm thế nào để nuôi họ bây giờ?”.
Một trường hợp khác, ông Mohammed Sabir, chủ cửa hiệu bán đồ uống sữa chua tại Delhi có 2 nhân viên, nhưng nay ông không còn tiền để trả lương cho họ. “Tôi cảm thấy thật vô vọng. Tôi lo sợ rằng cái đói có thể khiến những người như chúng tôi chết trước cả Covid-19”, ông Mohammed Sabir bày tỏ.
Trong khi đó, người lái xe cho một hãng hàng không tại Delhi - ông Joginder Chaudhary nhấn mạnh chính phủ cần hỗ trợ những lao động như ông.
Ông Joginder Chaudhary nói: “Tôi hiểu về tầm quan trọng của việc phong tỏa. Covid-19 rất nguy hiểm và chúng ta cần bảo vệ bản thân. Nhưng tôi vô cùng lo lắng về cách để nuôi gia đình nếu việc phong tỏa này tiếp tục diễn ra trong nhiều tuần”.
Nhưng thậm chí nhiều người lao động còn không biết về Covid-19. Một người đánh giày chia sẻ anh đã làm việc này tại nhà ga Allahabad trong nhiều năm nhưng gần đây nơi này bỗng thưa thớt hẳn. Người đánh giày cho biết anh thậm chí không hiểu tại sao mọi người không còn đến nhà ga nữa.
Một người bán nước tại nhà ga Allahabad, anh Vinod Prajapati nói: “Tôi biết về Covid-19, nó rất nguy hiểm, cả thế giới đang chật vật. Hầu hết mọi người có nhà để ở, nhưng với những người như chúng tôi, chỉ có hai lựa chọn là an toàn hoặc bị đói. Vậy chúng tôi phải chọn gì?”.
Ngày 25/3, Ấn Độ ghị nhận 562 ca nhiễm và 10 trường hợp tử vong vì Covid-19. Thủ hiến bang Uttar Pradesh - Yogi Adityanath cho biết đã thành lập một nhóm tìm kiếm lao động nhập cư và những lao động cần hỗ trợ từ chính quyền.
Theo Hà Linh/Baotintuc.vn