Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến người làm việc trong nền kinh tế chia sẻ
Những người làm việc trong nền kinh tế chia sẻ đứng trước rủi ro lớn khi dịch Covid-19 lan ra toàn cầu.
Khác với người lao động bình thường, những người làm việc trong nền kinh tế chia sẻ không có hợp đồng ràng buộc, do đó cũng ít phúc lợi xã hội như hỗ trợ khi ốm và chăm sóc sức khỏe.
Đây là những quyền lợi rất quan trọng khi khủng hoảng xảy ra. Mô hình kinh tế chia sẻ đang đứng trước phép thử lớn, trước khả năng duy trì hoạt động hiệu quả và giúp người làm việc cho mô hình này vượt qua thời dịch bệnh.
Kể từ khi dịch Covid-19 lan rộng, chính phủ nhiều quốc gia đã khuyến cáo những người trong nhóm dễ lây truyền virus như người làm việc trong ngành dịch vụ, vận chuyển, giao dịch, nên tự ý thức thực hiện cách ly xã hội.
Các không gian tương tác chung được cho có thể là môi trường lý tưởng để dịch bệnh phát tán. Thế nhưng với nhiều người, nỗi lo lây nhiễm hiện giờ vẫn chưa thể lớn bằng nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Rủi ro đã trở nên rõ ràng hơn đối với những người làm trong lĩnh vực này khi Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết một tài xế Uber 33 tuổi đã nhập viện vì dương tính với Covid-19.
Các mô hình chia sẻ khác như không gian làm việc chung, hay nhà ở chung đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ở Trung Quốc, WeWork đã đóng cửa 100 tòa nhà nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân viên và người thuê.
Theo tờ New York Times, một điều trớ trêu là những công ty thuộc mô hình kinh tế chia sẻ như Uber, Lyft hay WeWork vốn tự hào về những công việc có tính linh hoạt, chủ động và có thể là giải pháp cho người tìm việc trong thời kỳ kinh tế xuống dốc.
Tuy nhiên, ở thời điểm của một vấn đề toàn cầu như Covid-19 xảy ra, những cam kết trên lại không được đảm bảo.
Trong bối cảnh dịch bệnh khiến mọi người hạn chế tiếp xúc, nhiều công ty đã phải đưa ra động thái hỗ trợ nhân viên, ví dụ như tạo kiện nghỉ ốm hay cung cấp những sản phẩm khử khuẩn khi làm việc.
Uber, Lyft, Instacart và DoorDash cho biết họ sẽ trả lương cho người làm việc trong 14 ngày nếu họ nghi nhiễm virus và cần phải ở nhà.
Trong khi đó, các dịch vụ giao hàng như: Postmates, DoorDash, Uber Eats và Grubhub đã triển khai dịch vụ "giao hàng không tiếp xúc", cho phép tài xế đặt sản phẩm bên ngoài cửa nhà khách hàng, không tương tác trực tiếp với họ.
Theo VTV.VN