Người lao động mưu sinh những ngày cuối năm
Hà Nội vào những ngày này đang phải trải qua những đợt không khí lạnh mạnh, rét đậm, rét hại, nhiệt độ có lúc còn xuống dưới 10 độ C.
Nhưng bất chấp điều kiện thời tiết giá lạnh, những người công nhân, lao động vẫn làm công việc mưu sinh của họ.
Chị Nguyễn Thị Mai Anh làm công nhân môi trường của Công ty Cổ phần môi trường đô thị Gia Lâm đã gần 20 năm. Công việc của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 3 giờ chiều, nhưng có những hôm thiếu người, chị vẫn phải làm thêm vào các buổi tối, thường là từ 5 giờ chiều đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. "Làm công việc này thì ngày nào cũng phải đi làm, vất vả lắm. Có những hôm rét đậm, cóng hết người nhưng tôi vẫn phải dậy từ sớm quét rác, thu gom rác", chị chia sẻ.
Khi được hỏi về mong muốn cho năm mới, chị chỉ mong muốn một điều đó là được tăng thêm lương để người lao động như chị cảm thấy bớt vất vả, có thêm động lực làm việc, có đủ tiền để trang trải cho cuộc sống.
Tết Tân Sửu 2021 tới gần, những công việc sửa sang đô thị, làm đẹp cho Thành phố Hà Nội đang được gấp rút tiến hành. Tại đoạn Văn Cao - Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội), phóng viên ghi nhận được hình ảnh của những công nhân lát đá vỉa hè đang hối hả làm việc.
Anh Nguyễn Văn Quang công nhân lát đá chia sẻ: "Chúng tôi phải làm việc hết công suất, làm cả 7 ngày trong tuần, thậm chí có hôm vẫn phải làm tới đêm để kịp tiến độ. Thời tiết mấy hôm nay rét quá, chúng tôi lại phải ở ngoài đường cả ngày. Kể cả ngày hay đêm thì đều cóng người, cóng tay, chúng tôi làm việc liên tục như một cách để cơ thể ấm lên. Mong sao hoàn thành công việc trước Tết để chúng tôi được về quê sớm, đón Tết với gia đình".
Giống như những người công nhân lát đá, công nhân làm công việc thay cây cũ, trồng cây, hoa mới làm đẹp cho Thủ đô cũng đang tiến hành công việc của mình. Tại một góc đường ven hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào chiều Chủ nhật, phóng viên bắt gặp nhóm công nhân đang làm việc. Gió hồ thổi những cơn lạnh buốt, nhưng ai nấy vẫn tập trung nhổ những cây cũ, héo, trồng những khóm hoa tươi mới xuống đất. Chị Nguyễn Quỳnh Hoa một công nhân đang làm việc cho biết, dù là ngày nghỉ, chị vẫn phải làm để hoàn thành tiến độ công việc.
Những ngày cuối năm, người lao động phải oằn mình chống chọi với cái rét để mưu sinh chỉ với mong muốn kiếm đủ tiền để đón Tết trọn vẹn. Không chỉ có những người công nhân mà những người bán hàng rong, bán đồ ăn, quần áo… ven đường cũng đang vật lộn mưu sinh. Không khó để bắt gặp họ trên các tuyến phố của Hà Nội như ở phố Ngọc Lâm, Nguyễn Chí Thanh, Thanh Niên, Nguyễn Văn Cừ, Thụy Khuê…
Dạo trên con phố Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội), phóng viên gặp chị Trịnh Thu Trang đang bán quần áo. Đó là một sạp quần áo cho trẻ em ngay mặt phố. Thời tiết chỉ khoảng 10-11 độ, lạnh thấu xương nhưng chị vẫn kiên trì ngồi bán hàng. Chị tâm sự: "Trời lạnh như này tôi cũng chỉ còn biết mặc nhiều áo ấm nhất có thể rồi ngồi bán thôi. Lúc nào rét quá thì tôi đi lại, vận động cơ thể hoặc uống nước ấm. Cũng gần Tết rồi, giờ tôi chỉ mong có nhiều khách để bán hết chỗ hàng này, kiếm thêm ít tiền để sắm đồ mới cho cả nhà".
Anh Trần Văn Hoàng làm nghề buôn bán hoa quả trên đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, anh cũng mong bán được hàng để kiếm tiền về cho gia đình. Cùng với chiếc xe máy cũ chở hoa quả và một chiếc ghế nhựa, anh ngồi bán ở vỉa hè từ sáng đến tối muộn, không ngại thời tiết giá lạnh của Hà Nội kiên trì bán hết hàng cho khách.
Không giống như chị Trang, anh Hoàng, anh Huỳnh Tuấn Kiệt làm nghề xe ôm công nghệ gần 3 năm nay, dù trời nắng hay trời lạnh, anh vẫn phải đi liên tục khắp các nẻo đường đón và chở khách.
"Thời tiết này ra đường kiếm tiền cũng vất vả lắm, tôi phải đi liên tục trong giá rét để làm việc. Công ty tôi làm bắt buộc phải mặc đồng phục nên bên trong tôi phải mặc thêm 2-3 lớp áo, vậy mà vẫn cóng. Nhiều khi đang không có khách, thấy người ta nhóm lửa ven đường, tôi tranh thủ vào sưởi ấm cơ thể một lúc rồi tiếp tục đi. Tối hôm nào tôi cũng cố chạy thêm vài cuốc xe để kiếm thêm mấy đồng tiết kiệm, về nhà ăn Tết với vợ con rồi mua đồ ăn Tết cho đủ đầy", anh Kiệt chia sẻ.
Với người lao động, có lương, thưởng Tết đầy đủ, hoàn thành xong công việc đúng tiến độ, kiếm đủ tiền và được về nhà ăn Tết cùng gia đình là điều là họ luôn mong mỏi. Các cơ quan, xí nghiệp, Công ty cần quan tâm, động viên, hỗ trợ người lao động, để họ có thêm động lực làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt này.
Theo Yến Mai
Báo Xây dựng