Người làm “nghề cổ”
Thời buổi công nghệ cao, những chiếc máy chữ cổ điển đang rơi vào quên lãng. Song, giữa lòng Tây Đô nhộn nhịp vẫn còn bốn ông lão lầm lũi mưu sinh bằng “nghề cổ”: đánh máy chữ.
Chợ… chiều
Nghe có người hỏi nơi đánh máy chữ thuê, một người đang bán hàng phía trước chợ An Lạc, ngôi chợ nằm gần trung tâm TP Cần Thơ, nhanh nhảu: “Đó, đó, chỗ có cái bảng ghi “Nhận thảo đơn, đánh máy” thiệt to để phía ngoài đó”. Cạnh tấm bảng ấy là mấy “cửa hàng” tạm bợ, xiêu vẹo nằm phía ngoài nhà lồng.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là ông lão khoảng tuổi thất tuần đang ngồi suy tư, tay chống cằm, mắt nhìn xa xăm. Ông là Nguyễn Văn Hiếu, có 42 năm trong nghề thảo đơn bằng máy đánh chữ và hiện ông là một trong rất ít những người đánh máy chữ thuê cuối cùng ở đất Tây Đô.
“Tôi làm đa dạng các loại đơn, nhưng nhiều nhất là đơn kiện tụng, tranh chấp và ly hôn. Nhiều việc mình thấy không đúng sự thật mà gõ vào đơn thì tội cho người bị kiện nên tôi thường viết tránh đi. Còn đơn ly hôn, trước khi tới tòa án nhà nước thì phải qua tòa án lương tâm tôi trước. Có thể người ta chưa suy nghĩ thấu đáo, bởi đơn kí rồi là mất chồng, mất vợ, nên tôi hay khuyên về suy nghĩ kĩ lại nếu không thể tiếp tục sống với nhau thì quay lại đây tôi làm cho. Nhiều người, nghe tôi khuyên vậy rồi hòa giải được trở lại cảm ơn tôi rối rít” - Ông Nguyễn Văn Hiếu, người thảo đơn thuê bằng máy đánh chữ tại chợ An Lạc, TP Cần Thơ
Ông Hiếu kể, hồi chiến tranh, ông bị mảnh bom cắt đứt hai chân quá đầu gối, phải đi lại bằng đôi chân giả. Đôi tay ông vẫn còn mấy mảnh đạn chưa lấy ra và hai bàn tay giờ chỉ còn… 8 ngón rưỡi có thể cử động.
Một ngày của ông Hiếu bắt đầu từ tờ mờ sáng và đến “nhiệm sở” trên chiếc xe lắc tay cũ kỹ. Phần lớn thời gian trong ngày của ông là… ngồi chờ khách. “Mỗi ngày, tôi ngồi đây từ sáng tới chiều, bữa nào đắt khách thì được hơn 100 ngàn, những bữa ế thì không có đồng nào”- giọng ông Hiếu trầm buồn.
Khu chợ đông đúc, riêng “cửa hàng” đánh máy đánh chữ thì vắng lặng. Tôi nhẫn nại ngồi cùng ông từ sáng sớm đến đầu giờ chiều nhưng không thấy bóng người đến thuê ông làm. Thi thoảng có người thảo đơn nhưng lại đến thuê người đánh máy vi tính bên cạnh. Trong lúc ngồi chờ, ông tâm sự: “Thu nhập ba cọc ba đồng nên bữa sáng của mấy anh em tụi tôi chỉ là bánh mì chấm nước tương, gói xôi hay chén cháo lót dạ. Bữa cơm sáng thành bữa chiều của người ta. Vậy mà tháng nào tiền trọ cũng thiếu lên thiếu xuống…”.
Ngồi lâu buồn tay buồn chân, ông Hiếu biểu diễn cho tôi xem tài nghệ đánh máy của mình. Hai bàn tay với… tám ngón rưỡi của ông như múa trên bàn phím. Những gọng kim loại đính con chữ trên đầu tựa chiếc búa bé xíu đua nhau dập vào cuộn giấy tạo thành chuỗi âm thanh tạch tạch liên hồi. Vừa gõ, ông vừa kéo, đẩy cuộn giấy qua lại một cách tài tình. Chỉ trong chớp mắt lá đơn ngẫu hứng của ông đã hoàn thành.
Chỉ vào chiếc máy đánh chữ vừa sử dụng, ông Hiếu nói: “Cái máy này chắc cũng xấp xỉ tuổi tôi. Trong nghề, tôi xài cái này là cái thứ ba rồi, hai cái kia đã cũ nhưng vẫn có thể để phòng hờ khi cái này bị hư. Tôi bảo quản nó rất kĩ, làm xong là lau chùi cẩn thận rồi bao lại đàng hoàng để đó, ai tới thuê mới mở ra. Hiện nay ở đây cũng còn duy nhất một ông thợ sửa máy đánh chữ, tụi tôi phải tôn trọng ông ấy như vua vậy, không dám làm phật ý vì sợ ông ấy không sửa thì treo nghề luôn”.
Sinh hoạt khó khăn của ông Hiếu.
Cách chỗ ông Hiếu không xa là cửa hàng ông Nguyễn Văn Tư. Với 77 tuổi đời và gần 50 năm tuổi nghề, ông Tư được xem là lão làng trong số những người thảo đơn thuê. Ông Tư cũng đang trầm ngâm ngồi chờ khách, cánh tay run run thi thoảng nâng cốc trà nhấp một ngụm. “Tôi bệnh cả tháng nay, giờ thấy đỡ đỡ nên ráng ra ngồi đây kiếm ít đồng, chứ ở nhà hoài là đói”- lão làng lo lắng.
Không chỉ tiền chợ, ông còn phải kiếm tiền mua thuốc trợ tim cho vợ. Vợ chồng ông Tư có 4 người con và đều đã có cuộc sống riêng nhưng rất khó khăn nên vợ chồng già chỉ biết nương tựa nhau. Ông Tư cũng bị mất 2 chân trong chiến tranh. “May trời thương còn để lại đôi tay kiếm sống. Nhưng giờ thì đôi tay cũng rất yếu, tới mức gõ chữ cũng khó khăn”.
Chiều xuống, chợ tan, tôi theo chân ông Hiếu về “nhà”, đó là một phòng trọ lụp xụp. Đường vào nhà chỉ vừa đủ cho chiếc xe lắc chạy. Mái hiên được che chắn bởi những tấm bạt chắp vá, cửa phòng bằng gỗ có chỗ đã mục, trống hoác. Bên trong căn phòng, các miếng la phông cũ trên trần nhà bong ra treo lủng lẳng, có vài chỗ đã dột. Mặc dù vậy, đồ đạc trong phòng được ông Hiếu sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.
Vừa vào phòng, ông Hiếu tháo đôi chân giả, để lộ hai mỏm chân cụt bó trong lớp vải trắng, rồi bắt đầu lết trên sàn để dọn dẹp, giặt giũ áo quần. Xong mọi việc ông mới bắt đầu ăn cơm. Hôm nay, con ông mang cơm đến để sẵn trong nhà rồi ra về. Vừa ăn, ông Hiếu vừa nghẹn ngào: “Hôm nào có đồ ăn ngon, con nó mang đến cho tôi, còn không thì tôi tự nấu. Mấy đứa con tôi đều có gia đình riêng và đứa nào cũng nghèo...”. Ông cho biết, vợ ông đã bỏ đi, giờ mình ông sống cô đơn, thui thủi.
Vang bóng một thời
Ông Nguyễn Văn Quốc Việt, người có trên 40 năm đánh máy chữ thuê hồi tưởng: “Những năm trước 1975 là thời kì hoàng kim của nghề đánh máy chữ. Ngày ấy, tại Cần Thơ có rất nhiều người theo nghề và lập hẳn một tổ hợp chuyên đánh máy, thảo đơn. Ngoài các cơ quan và người dân địa phương, người của các tỉnh lân cận cũng tìm đến để thuê”.
Ông Tư đánh máy bằng đôi cánh tay run rẩy
Ông Việt nhớ lại: “Hồi mới giải phóng (1975), nghề này làm được lắm. Các giấy tờ của cơ quan nhà nước đều giao cho tụi tôi làm hết. Từ giấy phép, đi đường, giấy giới thiệu cho đến các loại hợp đồng, đơn thư... Vì thời đó không có máy photocoppy nên các văn bản sao y bản chính hay in ra nhiều bản cũng phải dùng máy cơ này. Nhờ vậy, thu nhập lúc đó rất ổn định, một mình tôi làm có thể nuôi 10 nhân khẩu trong nhà, lại được xã hội coi trọng. Nhiều khi tôi đi vắng 2 đến 3 ngày, người ta cũng phải chờ tôi về làm”.
Ông Lê Thanh Liêm (66 tuổi), người cùng làm với ông Việt góp chuyện: “Hồi xưa, lúc tôi vào tổ hợp, người ta đến thuê rất đông làm không xuể. Mỗi ngày tôi kiếm khoảng 7 - 8 ngàn đồng (thời giá lúc bấy giờ) là nuôi sống được cả gia đình”. Ông Liêm cho biết, trước đây tổ hợp có đến 13 người, trong đó có người đại diện, tổ trưởng, tổ phó.
Tiền làm được, sau khi trừ chi phí, số còn lại chia đều cho các thành viên, cuộc sống thoải mái, dư giả. Sau này khi có sự xuất hiện của chiếc máy vi tính hiện đại, người ta ít sử dụng máy đánh chữ thế là họ dần dần rời bỏ nghề để tìm kế khác sinh nhai. Tổ hợp từ đó cũng tan rã. Theo ông Tư, cả Cần Thơ, thậm chí là ở toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện chỉ có 4 người là các ông còn gắn bó với nghề đánh máy chữ.
Ông Việt ngồi chờ khách.
Theo ông Hiếu, sở dĩ vẫn còn khách, dù rất ít, tìm đến là vì “lời văn của mình”. “Khách đến thuê làm đơn, người ta kể câu chuyện của người ta, rồi nói ý muốn của người ta như thế nào, tụi tôi làm ra đơn đúng như ý họ, nên người ta cứ tìm đến tụi tôi hoài”- ông Hiếu tự hào. Theo ông, tìm đến với “nghề cổ” chủ yếu là những khách quen và cả những người thích cái cũ.
Bà Hoàng Cẩm Loan (ngụ tại quận Cái Răng), người thường thuê thảo đơn chia sẻ: “Cái máy vi tính mới, chữ in ra đẹp ai không thích, nhưng người thảo đơn bằng máy vi tính thường là người trẻ, ít kinh nghiệm nên không làm theo đúng ý mình. Mình ít học, khi cần làm đơn thì tìm đến nhờ họ, nhưng họ lại kêu mình đọc đơn để họ viết, mình biết làm cái đơn sao đâu mà đọc?”.
Bà Loan cho biết: “Tôi đã quen nhờ mấy ông đánh máy chữ làm rồi nên tin tưởng. Chuyện mình sao mình trình bày đầu đuôi rõ ràng là mấy ông này biết cách làm liền. Xong, các ổng còn đọc lại cho tôi nghe, nếu tôi thấy hợp tình hợp lí rồi thì mới trả tiền, nếu còn chỗ nào chưa được thì mấy ổng làm lại tới khi được thì thôi”.
Theo Báo Tiền phong