Hướng nghiệp, đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ: Chưa thực sự hiệu quả

Hàng năm, có hàng trăm nghìn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS) trở về địa phương. Bên cạnh những đóng góp tích cực cho xã hội, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ và chuẩn bị xuất ngũ chưa thực sự hiệu quả và tồn tại một số bất cập.


Dạy lái xe cho bộ đội xuất ngũ tại Trường Cao đẳng nghề số 5 thuộc Quân khu 5.

Dạy lái xe cho bộ đội xuất ngũ tại Trường Cao đẳng nghề số 5 thuộc Quân khu 5.

Thượng tá Đinh Quốc Hùng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội cho biết, 6 tháng đầu năm nay, có trên 12 nghìn đợt tuyên truyền về hướng nghiệp, dạy nghề cho hơn 460 nghìn ĐVTN, trong đó ĐVTN là bộ đội xuất ngũ và chuẩn bị xuất ngũ chiếm hơn 286 nghìn. Đồng thời, đã đào tạo nghề cho hơn 27 nghìn bộ đội xuất ngũ.

Theo trung tá Đào Anh Văn, Trưởng ban Thanh niên Quân khu 3, năm 2016, các đơn vị của Quân khu thực hiện liên kết đào tạo, giới thiệu việc làm cho hơn 80% bộ đội xuất ngũ sau khi kết thúc các khóa đào tạo nghề.

Đào tạo và liên kết đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp đến cao đẳng cho 1.750 ĐVTN là bộ đội xuất ngũ; đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia với hàng nghìn thanh niên. Phối hợp với các công ty tư vấn giới thiệu việc làm giới thiệu cho trên 10% thanh niên hoàn thành NVQS đi xuất khẩu lao động tại nhiều nước.

Lãng phí nguồn nhân lực

Trao đổi với PV, trung tá Võ Văn Minh, Trưởng ban Thanh niên Quân khu 5 cho biết, hàng năm, Cục Chính trị Quân khu đều hướng dẫn các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề các tỉnh, thành phố, Trường Cao đẳng nghề số 5 và các trường dạy nghề của T.Ư, Bộ Quốc phòng đứng chân trên địa bàn tổ chức các chương trình tư vấn, hướng nghiệp nghề cho bộ đội xuất ngũ.

“Trong quá trình thực hiện, đã nảy sinh một số bất cập. Dù có nhiều ngành nghề đào tạo nhưng đầu ra gặp khó khăn do sự liên kết, phối hợp giữa các cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm và đơn vị tuyển dụng chưa chặt chẽ. Một số ĐVTN chưa thực sự quan tâm đến việc học nghề. Mặt khác, do việc đầu tư cho các trường nghề quân đội chưa tương xứng với yêu cầu cao của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, nên việc đào tạo chỉ cho “ra lò” những nhân công tay nghề thấp, chưa đáp ứng được các tiêu chí của lao động tay nghề cao” - Thượng tá Đinh Quốc Hùng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội

100% chiến sĩ xuất ngũ được tham gia tư vấn nghề đầy đủ, trong đó có hơn 85% tham gia học nghề với nhiều loại hình khác nhau như điện dân dụng, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, điện tử viễn thông, lái xe ô tô, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh, chăn nuôi trang trại... Sau khi hoàn thành khóa học, đại đa số được các cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp tuyển dụng lao động góp phần quan trọng vào tham gia phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Tuy nhiên, trung tá Minh cũng cho rằng công tác phối hợp hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên, bộ đội xuất ngũ chưa hiệu quả. Lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên chưa có việc làm, thu nhập không ổn định còn chiếm tỷ lệ cao. Chưa kết hợp chặt chẽ giữa khâu đào tạo và bố trí sử dụng đầu ra, dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực.

Mua bán thẻ học nghề sai quy định?

Trao đổi với PV về những bất cập trong công tác tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề và bố trí việc làm cho thanh niên xuất ngũ, một cán bộ quân đội cho rằng có khá nhiều điều đáng nói. Đó là việc chọn ngành nghề đào tạo chưa thực sự hợp lý cùng những trang thiết bị phục vụ dạy nghề lạc hậu, không còn phù hợp yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp bên ngoài dẫn đến tình trạng ĐVTN sau khi được đào tạo nghề không tìm được việc.

Đặc biệt, đã xảy ra hiện tượng một số quân nhân sau khi được cấp thẻ học nghề miễn phí đã bán lại cho một số tổ chức, cá nhân chuyên đi thu mua loại thẻ này rồi bán lại kiếm lời…

Theo trung tá Đào Anh Văn, nhằm hạn chế những bất cập trong vấn đề này, thời gian tới công tác tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề và bố trí việc làm cho thanh niên xuất ngũ nên tập trung vào việc chỉ đạo các cơ sở Đoàn làm tốt công tác tuyên truyền về chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ học nghề cho thanh niên xuất ngũ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng và thị trường lao động. Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các nghề hiện có, mở thêm các nghề mà thanh niên hoàn thành NVQS và xã hội có nhu cầu.

“Cần thường xuyên phối hợp kiểm tra, thẩm định chặt chẽ, chính xác số thẻ học nghề. Chú trọng kiểm tra, thẩm định tại các cơ sở dạy nghề ngoài quân đội, tránh lợi dụng việc mua bán thẻ hoặc dùng thẻ học nghề sai quy định, không đúng mục đích”, trung tá Văn nói.

Theo Nguyễn Minh/Báo Tiền Phong