Người dân vùng quê phải ly hương đến bao giờ?

"Đến bao giờ, người dân vùng quê không phải ly hương mà vẫn có được công ăn việc làm?" tiếp tục là câu hỏi đối với nhiều địa phương.

Người dân vùng quê phải ly hương đến bao giờ?

Sau Tết, nếu các thành phố tấp nập người lao động quay trở lại công việc thường ngày thì tại nhiều làng quê là cảnh tượng heo hút vắng vẻ, chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Thanh niên, người trong độ tuổi lao động ở rất nhiều vùng quê đã ly hương để kiếm kế sinh nhai, với mong muốn có tiền gửi về quê trang trải cuộc sống gia đình. Song những cuộc ly hương ấy có thực sự đem lại những giá trị như mong đợi của họ?

Những ngày qua, hầu khắp các tỉnh miền Trung đều chứng kiến dòng người rời làng đi vào Nam mưu sinh. Thậm chí, có người so sánh đây như là cuộc di cư khổng lồ, cứ lặp đi lặp lại hàng năm sau Tết. Rời bỏ làng vào các thành phố để kiếm sống không còn là chuyện mới nhưng đây vẫn luôn là thực tế nhức nhối. "Đến bao giờ, người dân vùng quê không phải ly hương mà vẫn có được công ăn việc làm?" tiếp tục là câu hỏi đối với nhiều địa phương.

Dịch chuyển lao động là điều bình thường trong xã hội đang phát triển nhưng dịch chuyển tới mức "làng vắng" thì lại là điều không bình thường. Mỗi năm, lao động nông nghiệp bị đẩy ra bởi công nghiệp hóa là khoảng 1 triệu người, nhưng sức hút từ đô thị lại không giải quyết được số lao động này theo hướng lao động đô thị chuyên nghiệp.

Người di cư từ nông thôn ra thành thị với mong muốn là tìm kiếm các cơ hội kinh tế tốt hơn, điều kiện lao động tốt hơn, an sinh xã hội tốt hơn. Nhưng thực tế cả chục năm nay cho thấy, các cơ hội này chỉ đến với những lao động có trình độ. Di chuyển lao động của Việt Nam thực chất đang phổ biến ở hình thức di chuyển ngang từ một khu vực có năng suất thấp sang một khu vực khác có thể có năng suất cao hơn nhưng không nhiều.

Chính vì công việc ở thành phố hay các khu công nghiệp chưa thực sự bền vững nên thường những người lao động ở nông thôn lại giữ đất ở quê. Đất sản xuất đã nhỏ lẻ, lại không tích tụ được khiến tình trạng hoang hóa diễn ra ngày càng lớn, tư liệu sản xuất bị bỏ phí.

Bài học kinh nghiệm tại nhiều quốc gia cho thấy, hạn chế dịch chuyển lao động sẽ được giải quyết tốt nếu chính sách phát triển công nghiệp hóa kết hợp được giữa nông nghiệp với nông nghiệp. Ví dụ như với Đài Loan, Trung Quốc , nhờ công nghiệp hóa nông thôn, trong vòng 3 thập kỷ, Đài Loan đã nâng thu nhập bình quân đầu người trong lĩnh vực nông thôn nông nghiệp lên 42 lần.

Việc đầu tiên là đưa hạ tầng, điện, công nghệ thông tin tốt nhất về nông thôn, từ đây họ tiến hành dịch chuyển các trung tâm sản xuất, dịch vụ từ các thành phố lớn về nông thôn. Nông thôn sẽ xuất hiện các thành phố vệ tinh và từ đây tương lai của 90% nông dân là trở thành thị dân. Theo TS Đặng Kim Sơn, mô hình tăng trưởng này sẽ giúp giải quyết được bài toán ly hương của Việt Nam hiện nay.

Theo VTV.VN