Người đàn ông vượt 100 km lên TPHCM bán bánh nuôi gia đình
(Dân trí) - Tầm 1h30 các ngày lẻ trong tuần, ông Thắng chất hơn 200 đòn bánh tét, bánh ú lên chiếc xe máy cà tàng chở lên Sài Gòn bán. Công việc của ông đã diễn ra đều đặn suốt 30 năm qua.
30 năm bán bánh nuôi con
Trong một góc nhỏ trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), cứ 5h sáng thứ 3, 5 và 7, người dân lại thấy hình ảnh người đàn ông cặm cụi bán bánh. Chiếc xe máy tuy đã cũ nhưng chở đủ các mặt hàng như: Bánh tét, bánh ú, bánh ít, bánh dừa.
Người đàn ông này tên là Võ Văn Thắng (58 tuổi, quê ở huyện Châu Thành, Bến Tre). Hơn 30 năm qua, cứ vào thứ 3, 5 và 7, ông lại chở bánh từ Bến Tre lên TPHCM để bán. Nhiều khách quen gọi ông bằng cái tên thân thuộc "Thắng Bến Tre".
"Vì cha mất sớm, nhà lại khó khăn nên tôi không được học cao. Thời trẻ, tôi làm đủ thứ nghề từ phụ hồ, khuôn vác. Đến năm 1989, tôi theo vợ làm bánh tét để bán. Thấy vậy, mẹ của tôi mới dùng công thức làm bánh được truyền lại để dạy cho vợ chồng tôi", ông Thắng tâm sự.
Khi mới bán, ông Thắng đựng bánh trên một khay rồi bắt xe đò từ Bến Tre lên TPHCM, bán dọc các tuyến đường quanh khu vực Chợ Lớn. Về sau, ông có được chiếc xe đạp nên bán khắp phố phường ở Sài Gòn.
Năm 2019, ông Thắng sắm được chiếc xe máy cũ và sử dụng để chở bánh tự Bến Tre lên TPHCM bán mỗi tuần từ đó đến nay.
"Khoảng 1h30, tôi bắt đầu xuất phát từ Bến Tre. Chừng 4h30 - 5h, tôi lên tới TPHCM và bán trên đường Bùi Thị Xuân tới 9h30. Sau đó tôi chạy sang Nam Kỳ Khởi Nghĩa bán tiếp. Thời gian còn lại, tôi chạy vòng vòng thành phố bán dạo đến khi hết thì chạy về lại Bến Tre", ông chia sẻ.
Theo ông Thắng, vì muốn bán được nhiều nên mang hàng lên Sài Gòn. Ông chọn thứ 3, 5 và 7 để bán hàng. Còn các ngày còn lại ông nghỉ ngơi và ở nhà ngâm gạo, lau lá rồi gói bánh, luộc bánh, chuẩn bị cho ngày bán tiếp theo.
"Nhiều ngày mưa gió chạy xe rất nguy hiểm, lại đi vào đêm hôm nữa, nhưng chỉ mong bán hết bánh chứ những thứ khác tôi chấp nhận được. Không bán hết bánh thì gia đình ăn", ông Thắng chia sẻ thêm.
Mỗi tuần ông bán được hơn 3 triệu đồng tiền hàng. Trừ hết mọi chi phí ông dư được hơn 1 triệu đồng. Số tiền trên ông dành 1 phần để lo thuốc thang cho 2 vợ chồng, 1 phần để trang trải sinh hoạt.
"Công việc vất vả lắm, dư thì ít mà chi tiêu thì nhiều. Gần như cứ làm được bao nhiêu là tiêu hết bấy nhiêu. Không dư được bao nhiêu nhưng nó là cái nghề cho mình kiếm sống", ông Thắng nói thêm.
Mong con cái trưởng thành
Trong hơn 30 năm bán bánh kiếm sống, lại đi sớm về khuya nên sức khỏe ông Thắng suy giảm nhiều. Năm 37 tuổi, ông bị tai biến sau khi bán bánh trở về nhà.
Thời điểm đó, ông phải nằm liệt giường suốt 1 năm và tưởng như không còn quay lại bán bánh được. Tuy vậy, nhìn gia cảnh nghèo khó, ông nén đau, cố gắng mưu sinh.
"Trong khoảng thời gian nằm trên giường vì đột quỵ, thấy kinh tế gia đình sa sút. Cùng với đó, con của tôi bấy giờ mới học lớp 3, còn quá nhỏ. Tôi chỉ còn cách cố gắng, động viên bản thân, tích cực tập đi từ từ để tiếp tục bán bánh kiếm tiền lo cho gia đình và con cái" - ông Thắng tâm sự.
Vợ chồng ông Thắng có một người con trai năm nay 28 tuổi, đang làm điện lạnh tại Bến Tre. Tuy vậy, do gia đình khó khăn, ông vẫn gắn bó với công việc này đều đặn để có thu nhập trang trải sinh hoạt.
"Tôi không còn cảm giác ở nửa khuôn mặt rồi. Một bên lỗ tai cũng điếc luôn nên nhiều khi khách gọi mà không nghe thấy. Sau này, nhiều khách biết nên người ta ngoắc hoặc vẫy tay chứ ít kêu như trước. Bây giờ tôi còn sức khỏe thì ráng lo cho gia đình, con cái đàng hoàng rồi tôi có nằm xuống cũng vui", ông Thắng nói.
Mỗi chuyến xe chở hàng TPHCM, ông mang khoảng 200 phần bánh, bán hết mới chạy về Bến Tre.
"Có những hôm hàng bán chậm, tôi về nhà lúc 3h ngày hôm sau. Lúc đó, cả gia đình ai cũng lo lắng, khuyên tôi đừng nên quá sức. Tôi biết vậy nhưng gia đình khó khăn, tiền bán bánh về ngày nào là dùng hết ngày đó. Không đi bán thì lấy tiền đâu mà trang trải sinh hoạt", ông Thắng nói.
Ước mong duy nhất của ông Thắng là giữ được sức khỏe để tiếp tục lao động, làm việc kiếm tiền lo cho gia đình. Ông mong thể dành dụm được một khoản tiền nhỏ để sau này cho con của ông cưới vợ.