1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chật vật khởi nghiệp mùa dịch Covid-19

Phạm Công

(Dân trí) - Nhiều bạn trẻ rơi vào tình cảnh khó khăn khi chọn thời điểm khởi nghiệp đúng mùa dịch Covid-19, nhưng dịch bệnh cũng tạo ra không ít cơ hội và hướng đi mới.

Khởi nghiệp thời khó khăn

Có dự định mở cửa hàng thời trang vào đầu mùa hè 2021, anh Phạm Văn Hoàng trú tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã bắt tay vào chuẩn bị trước đó vài tháng.

Bằng số tiền tiết kiệm được sau 4 năm làm kỹ thuật viên bảo dưỡng ô tô, chàng trai 25 tuổi này quyết định chuyển sang lĩnh vực thời trang.

Nhưng đợt dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 4/2021 đã khiến anh không khỏi lo lắng. Anh Phạm Văn Hoàng cho biết: "Dịch bệnh Covid-19 đã ập đến từ đầu năm 2020 khiến công việc của tôi bị ảnh hưởng không nhỏ".

Chật vật khởi nghiệp mùa dịch Covid-19 - 1

Cửa hàng của anh Hoàng đang chuẩn bị đi vào hoạt động thì dịch bệnh ập đến.

Anh Phạm Văn Hoàng đã đầu tư hơn 100 triệu đồng cho cửa hàng thời trang. "Nếu dịch bệnh diễn ra căng thẳng kéo dài thì tôi phải chấp nhận việc nhập hàng về bán vì mặt bằng đã đóng tiền 1 năm " - anh Phạm Văn Hoàng thở dài.

Cũng khởi nghiệp trong giai đoạn khó khăn, anh Nguyễn Văn Đích, 27 tuổi trú tại Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) đã gây dựng một công ty du lịch, hoạt động tại TP Bắc Giang vào cuối năm 2019. Đến đầu năm 2020, công ty dường như phải dừng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Anh Nguyễn Văn Đích chia sẻ: "Trước khi quyết định mở công ty, tôi đã hoạt động 3 năm trong ngành du lịch và tham khảo học hỏi rất nhiều từ đồng nghiệp và những người đi trước. Ngành du lịch đang có một bước tiến mạnh trong thời gian gần đây, bất ngờ dịch bệnh ập đến, không kịp trở tay".

Chật vật khởi nghiệp mùa dịch Covid-19 - 2

Đoàn khách hiếm hoi của công ty anh Đích khi dịch tạm lắng. (ảnh NVCC)

Ít vốn, lại thiếu kinh nghiệm, hơn 1 năm qua công ty du lịch của vị giám đốc trẻ tuổi này luôn trong tình trạng lao đao.

Tìm đường vượt khó

Tuy nhiên, trong khi dịch bệnh làm ảnh hưởng nặng nề đến đa số các ngành nghề, chị Trần Thị Thu trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) lại có những thành công bước đầu khi khởi nghiệp giữa mùa dịch.

Chị Trần Thị Thu chia sẻ: "Sau khi tốt nghiệp ngành kế toán tài chính vào tháng 3 năm 2020, tôi chật vật xin đi làm nhưng không ở đâu nhận. Tôi quyết định xin làm công việc trái nghề là tư vấn khách hàng cho một công ty bán đồ điện dân dụng online với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng".

Từ kinh nghiệm học hỏi được trong quá trình làm việc tại công ty, tận dụng lúc dịch bệnh hoành hành, cô gái trẻ này bắt đầu với việc kinh doanh online cuối năm 2020.

Mặt hàng được chị Trần Thị Thu bán là những sản phẩm thiết yếu theo mùa vụ như bít tất, mũ len áo bông vào mùa đông hay áo chống nắng, áo mưa, kính râm vào mùa hè.

Chật vật khởi nghiệp mùa dịch Covid-19 - 3

Chị Thu đã tìm được những thành công ban đầu khi khởi nghiệp trong mùa dịch.

"Cứ mỗi lần dịch bệnh bùng phát, người dân ở nhà nhiều nên nhu cầu mua sắm trên mạng khá cao. Để đáp ứng cho công việc, tôi phải thuê thêm 2 bạn làm công việc trả lời và gọi điện tư vấn khách hàng" - chị Trần Thị Thu thông tin.

Bật mí về mức thu nhập sau gần nửa năm khởi nghiệp, chị Trần Thị Thu kiếm được 13-15 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Có những tháng cao điểm, chị thu lời khoảng 20 triệu đồng.

Trao đổi về vấn đề câu chuyện khởi nghiệp mùa Covid-19, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng, trong thời điểm dịch bệnh như hiện tại, việc khởi nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn như hạn chế về tiếp xúc, hạn chế về đi lại và những khó khăn về kinh tế.

"Tuy nhiên, một số ngành nghề vẫn có cơ hội phát triển mạnh trong điều kiện dịch Covid-19 như: Công nghệ thông tin, sàn thương mại điện tử, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bất động sản…", bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.

Theo Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, để khởi nghiệp trong thời gian này, bạn trẻ cần nghiên cứu kỹ và tập trung vào những ngành nghề có thể phát triển được trong điều kiện dịch bệnh hoặc những ngành nghề không thể thiếu trong xã hội.

"Bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp cần không ngừng nâng cao kiến thức và xây dựng nền tảng, đặc biệt là các vấn đề về kế toán, quản trị tài chính, hoàn thành các quy trình vận hành, xây dựng và tối ưu hóa các lợi thế về công nghệ thông tin, tự động hóa" - bà Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ.