1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Về Cà Mau xem nghề chụp cá đìa

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Nói đến sông nước miền Tây, đặc biệt là U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), nhiều người nghĩ ngay đến "thủ phủ" cá đồng nước ngọt. Người dân ở đây có nhiều cách thu hoạch cá, trong đó có nghề chụp cá đìa.

Anh Nguyễn Hữu Duyên nói về nghề chụp cá đìa

Vùng đất Tây Nam bộ nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng chằng chịt đìa (ao), kênh, rạch tạo điều kiện trú ngụ cho nhiều loài tôm, cá. Cũng từ đó, nhiều công việc liên quan đến thu hoạch cá đã hình thành, trong đó có nghề chụp cá đìa (dùng tấm lưới phủ xuống toàn bộ mặt đìa để bắt cá - PV).

Trò chuyện với phóng viên Dân trí, anh Nguyễn Hữu Duyên (46 tuổi, ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề này.

Về Cà Mau xem nghề chụp cá đìa - 1

Anh Nguyễn Hữu Duyên đã có hơn 20 năm làm nghề chụp cá đìa ở vùng U Minh Hạ, Cà Mau.

"Hồi mới 17-18 tuổi, tôi đã đi theo cha chụp cá đìa. Khi cha nghỉ thì đến lượt tôi làm tận tới nay. Giờ có thể coi như nghề truyền thống của gia đình. Tôi vẫn còn bám được nghề nên thấy vui lắm", anh Duyên bày tỏ.

Anh Duyên cho biết dụng cụ chính để bắt cá là một hoặc hai tấm lưới lớn hay nhỏ tùy thuộc vào diện tích rộng, hẹp của đìa. Kinh phí để làm tấm lưới từ 70-80 triệu đồng và dùng được khoảng vài năm.

Về Cà Mau xem nghề chụp cá đìa - 2

Anh Duyên cùng các lao động đang dùng lưới chụp cá trong một con kênh ở U Minh Hạ.

Khi được người dân thuê, nhân công dùng tấm lưới (loại sợi chỉ) có mắt lưới nhỏ cuộn giữa lòng đìa rồi căng viền lưới ra hai bên thành đìa. Sau khi ghim viền lưới vào thành đìa, lúc này toàn bộ cá nằm dưới mặt lưới, khi cá thấy ngợp sẽ men vào thành đìa tìm chỗ hở để chui lên.

"Sau đó, đợi từ 1-2h, hầu như cá đã chui hết lên mặt lưới trên, tôi ghim một đợt lưới nữa để chặn không cho cá chui ngược trở xuống. Tiếp đó kéo từ từ hai viền lưới ghim lại rồi gom cá về một góc đìa để bắt", anh Duyên chia sẻ cách thu hoạch cá.

Về Cà Mau xem nghề chụp cá đìa - 3

Sau một công đoạn kéo lưới, toàn bộ cá trong lưới được gom lại...

Là người có nhiều năm trong nghề, anh Nguyễn Hữu Duyên cho biết, muốn biết đìa đó lượng cá ra sao thì nhìn trên mặt nước thấy có cá ục (ngoi lên mặt nước rồi lặn xuống - PV) làm nổi trắng bọt thì khả năng nhiều cá. Ở vùng U Minh Hạ thì nhiều nhất là cá lóc, cá rô, cá trê, cá thác lác, cá bổi...

Theo anh Duyên, mỗi lần bắt cá kiểu này cần khoảng 4 người, trong đó có 3 người chính ở dưới đìa và 1 người phụ ở trên bờ. Tùy theo đìa nhỏ hay lớn cần một khoảng thời gian nhất định từ lúc thả lưới đến thu hoạch. Ví dụ như với diện tích có chiều dài khoảng 200m thì mất trên 4h.

Về Cà Mau xem nghề chụp cá đìa - 4

... và bắt cá đưa lên bờ.

"Nghề tuy không vất vả cho lắm nhưng dễ bị cảm lạnh vì phải trầm mình ở dưới nước nhiều", anh Duyên chia sẻ.

Người đàn ông 46 tuổi này cho biết, thường một ngày chỉ làm một đìa, với thu nhập của 4 nhân công khoảng 1,5 triệu đồng. Sau khi trừ một số chi phí, nguồn thu được chia đều ra mỗi người cũng được trên dưới 300.000 đồng.

Về Cà Mau xem nghề chụp cá đìa - 5

Bữa cơm đơn giản của nhóm người làm nghề chụp cá đìa ngay trong rừng U Minh Hạ. 

"Ít năm trở lại đây, nhất là trong mùa nắng khô, nghề này chỉ bận rộn được khoảng một tháng. Khi có ai thuê mướn thì tôi đến làm, cho nên nghề này cũng hạn hẹp lắm", anh Duyên cho biết.

Theo người dân địa phương, ngày nay ít nhà nào còn đìa. Ngoài ra, nguồn cá đồng cũng càng ngày ít dần nên họ không thu hoạch một lần mà dùng cách khác để bắt cá số lượng ít, đơn giản hơn (như câu, chài, giăng lưới...). Vì vậy, nghề này dần ít việc hơn.