1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa:

Ngư dân trên... núi kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày

Bình Minh

(Dân trí) - Sống ở vùng núi nhưng họ lại là những ngư dân khi mỗi ngày lênh đênh mưu sinh trên hồ. Từ khi sông Mực bị chặn dòng, nhiều người đã chuyển từ đi rừng xuống hồ bắt cá, mỗi ngày "bỏ túi" nửa triệu đồng.

Bỏ đi rừng xuống hồ bắt cá

Vườn Quốc gia (VQG) Bến En nằm trên địa bàn 2 huyện Như Thanh và Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là VQG có hệ sinh thái độc đáo với những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn, có hồ nước lớn mênh mông với khoảng 16 hòn đảo lớn nhỏ. Nhiều năm qua, nguồn thủy sản phong phú nơi đây chính là điểm tựa mưu sinh, nguồn sống của biết bao người dân trong vùng.

Gần 40 năm qua, đều đặn mỗi ngày cứ 4-5h sáng, ông Hà Văn Nguyện (thôn Cây Nghia, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh) lại thức giấc để chuẩn bị cho một ngày làm việc. Đồ nghề chỉ có con thuyền nhỏ, lưới và một số dụng cụ bắt cá. Đồng hành cùng ông có hôm thì vợ, hôm thì con trai.

Ngư dân trên... núi kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày - 1

Nhiều người dân sống trong vùng lõi VQG Bến En đã chuyển từ đi rừng sang mưu sinh dưới hồ.

Sau khi chèo thuyền ra tới giữa hồ, ông Nguyện thoăn thoắt thả từng mẻ lưới. Thả lưới xong, ông cầm ngược mái chèo đập liên hồi xuống mặt hồ tĩnh lặng để xua  đàn cá thức giấc, bỏ chạy và mắc vào lưới.

Không chỉ gia đình ông Nguyện mà nhiều gia đình khác cũng bỏ đi rừng để xuống hồ mưu sinh với nghề chài lưới.

Ông Nguyện cho biết, năm 1977, khi sông Mực được chặn dòng, tích nước, hồ Bến En hình thành, nguồn lợi thủy sản trở nên phong phú, đa dạng, nghề chài lưới trên lòng hồ cũng ra đời.

Theo ông Nguyện, dòng chảy xiết, nguồn nước sạch nên thủy sản ở đây có chất lượng cao hơn hẳn các vùng sông hồ lân cận. Từ các loài tép suối, cá bống đến các loài cá lớn như lăng, chép, măng… đều có hương vị thơm ngon, thịt dai, chắc.

Ngư dân trên... núi kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày - 2

Thủy sản dưới hồ trước đây chỉ để cải thiện bữa ăn gia đình còn bây giờ "lên ngôi" thành đặc sản tại các nhà hàng.

Cũng giống như ông Nguyện, ông Bùi Văn Chinh (trú tại làng Lúng, xã Xuân Thái) là người chuyên dùng lồng bát quái đánh bắt tôm, cá bống. Cuộc mưu sinh của ông Chinh bắt đầu từ đêm cho đến 4-5h sáng hôm sau.

"Trước đây, thủy sản lòng hồ đánh bắt được chủ yếu làm thức ăn trên mâm cơm đạm bạc của các gia đình thiếu đói. Càng ngày, kinh tế phát triển, chất lượng đời sống được nâng cao cũng là lúc cá lòng hồ trở thành đặc sản xuất hiện trên những bàn tiệc nơi nhà hàng, khách sạn sang trọng. Trong đó, cá mè sông Mực ngon nổi tiếng, có nhiều người đánh được những con nặng tới 30-40kg. Bắt được bao nhiêu, thương lái thu mua hết bấy nhiêu", ông Chinh cho biết.

"Bỏ túi" nửa triệu đồng mỗi ngày

Rạng sáng, khi kết thúc một đêm đánh bắt, chiến lợi phẩm của ông Chinh sẽ được thương lái đánh ca nô ra tận nơi để thu mua.

Ngư dân trên... núi kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày - 3

Chỉ bằng con thuyền nhỏ và ngư lưới cụ, người dân đã có thể sống với nghề.

"Hôm nào đánh được thì có thể kiếm khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng. Còn bình thường, chúng tôi kiếm được khoảng 400.000-500.000 đồng. Trong thôn, hiện có khoảng 15 người đánh lồng bát quái. Tôm, cá bống thường chỉ đánh bắt từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm", ông Chinh nói.

Cũng theo ông Chinh, khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều loài cá trên hồ được các nhà hàng dưới phố thu mua rất nhiều, thu nhập của người dân cũng vì thế mà tăng cao.

"Nghề này làm giàu thì khó lắm, nhưng nếu chịu khó cũng đủ để gia đình trang trải cuộc sống thường ngày và nuôi 2 đứa nhỏ đi học. Trung bình, mỗi buổi đi thả lưới, người dân cũng dễ dàng kiếm được 300.000-500.000 đồng. Hôm nào được cá lớn, thu nhập có thể còn cao hơn", ông Nguyện chia sẻ.

Ngư dân trên... núi kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày - 4

Mỗi ngày, người dân có thể "bỏ túi" nửa triệu đồng từ việc đánh bắt cá, tôm.

Hai năm qua, dịch Covid-19 bủa vây, người dân ở các tỉnh mất việc trở về địa phương đông, không có công ăn việc làm, hồ Bến En trở thành nguồn sống, là điểm tựa mưu sinh của họ.

"Thời gian qua, gia đình đã được nhiều người làm du lịch đặt mua cá, tôm để phục vụ khách đến Bến En chơi. Tới đây, khi làng du lịch cộng đồng tại địa phương chính thức đi vào hoạt động, có lẽ người dân chúng tôi sẽ có nguồn thu ổn định từ nhiều nghề, trong đó có chài lưới", ông Nguyện hy vọng.

Ngư dân trên... núi kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày - 5

Những mẻ cá chưa kịp lên bờ đã được thương lái đến mang đi.

Theo ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc VQG Bến En, hiện trong phạm vi quản lý của vườn có khoảng 10 bản, làng của 2 huyện có người dân sinh sống, trong đó có hàng trăm hộ sống nhờ vào nghề sông nước.

"Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho người dân đánh bắt cá trên hồ, đây cũng là nghề đã gắn bó với dân địa phương từ lâu. Tuy nhiên, Vườn vẫn thường xuyên nhắc nhở bà con khai thác đúng quy định, đúng mùa để bảo vệ môi trường, bảo đảm hoạt động khai thác thủy sản lâu dài, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, không được đánh bắt theo kiểu tận diệt, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm", ông Nghị cho biết thêm.