Ngoài tiền lương, an toàn lao động là vấn đề quan trọng với người lao động

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp thuốc lá, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, ngoài tiền lương thì môi trường làm việc, công tác an toàn lao động có vai trò hết sức quan trọng với người lao động.

Sáng 29/3, đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sáng 29/3 đã có buổi làm việc với doanh nghiệp sản xuất thuốc lá tại Hà Nội, nhằm nắm bắt tình hình triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ năm 2024.

Ngoài tiền lương, an toàn lao động là vấn đề quan trọng với người lao động - 1

Đoàn công tác Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc với Công ty Thuốc lá Thăng Long (Ảnh: Gia Đoàn).

Báo cáo với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, ông Nghiêm Xuân Toàn, Phó TGĐ Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cho biết, năm 2023, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của tổng công ty năm 2023 có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Ngoài tiền lương, an toàn lao động là vấn đề quan trọng với người lao động - 2

Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ Trung ương (Ảnh: Gia Đoàn).

Giám đốc Công ty Thuốc lá Thăng Long Nguyễn Hữu Kiên cho biết, công tác an toàn, vệ sinh lao động luôn được tổng công ty và công ty quan tâm, quán triệt hành động xuyên suốt nhiều năm qua.

Hàng tháng, Hội đồng ATVSLĐ công ty đều kiểm tra chuyên đề, 6 tháng tổ chức kiểm tra toàn diện công tác ATVSLĐ tại các đơn vị trong Công ty.

Ban ATVSLĐ của đơn vị hàng ngày, hàng tuần cũng tiến hành kiểm tra công tác ATVSLĐ tại đơn vị. Cùng với đó, kiểm tra toàn diện theo quý để nhắc nhở người lao động thực hiện công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc. Sau kiểm tra có nhận xét, đánh giá vào sổ ghi biên bản, chấm điểm cuối tháng về công tác ATVSLĐ.

Mặt khác, Ban cũng thường xuyên nhắc nhở người lao động sử dụng đúng, đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, thực hiện vệ sinh công nghiệp và kịp thời phát hiện những hiện tượng có nguy cơ mất an toàn, đề xuất ý kiến với Lãnh đạo Công ty xem xét giải quyết.

"Công ty có trạm y tế, có bác sĩ, y tá, điều dưỡng để quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Hằng năm, chúng tôi tổ chức khám chữa bệnh định kỳ cho cán bộ, công nhân viên, người lao động tối thiểu 1 lần. Ngoài ra, công ty có phòng vắt sữa cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ", ông Kiên nói.

Hiện, doanh nghiệp này đang tạo việc làm cho gần 1.900 lao động, với 3 công ty con ở các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty luôn quan tâm tới đời sống, thu nhập, chế độ và môi trường làm việc của người lao động.

Ngoài tiền lương, an toàn lao động là vấn đề quan trọng với người lao động - 3

Ông Nghiêm Xuân Toàn, Phó TGĐ Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Ảnh: Gia Đoàn).

Vui mừng về những thông tin đại diện doanh nghiệp báo cáo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận và biểu dương toàn ngành thuốc lá đã nỗ lực trong năm 2023 đầy biến động, nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, công ty tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Thứ trưởng nhấn mạnh, không chỉ mỗi tiền lương, môi trường làm việc, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động hết sức quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt đối với một doanh nghiệp đặc thù như công ty thuốc lá.

Thời gian tới, lãnh đạo Bộ mong muốn tổng công ty tiếp tục quan tâm, chú trọng đến việc tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống của người lao động.

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo công ty tiếp tục quan tâm vấn đề an toàn, vệ sinh lao động, môi trường làm việc cho người lao động trong thời gian tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm