1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thủ tướng phát động Tháng hành động an toàn vệ sinh, lao động 2023

Lê Hoa

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, năng động, chủ động và luôn khẳng định vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chiều 27/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023.

Thu nhập công nhân được cải thiện rõ rệt

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, những năm qua, lực lượng lao động nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, có trên 52 triệu người lao động với nhiều chuyên gia, có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế.

Lao động Việt Nam từng bước đảm nhiệm được những nhiệm vụ phức tạp mà trước đây phải cần tới chuyên gia nước ngoài. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, năng suất lao động được nâng lên.

Thủ tướng phát động Tháng hành động an toàn vệ sinh, lao động 2023 - 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu.

Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về lao động tiếp tục được hoàn thiện. Các tiêu chuẩn về lao động cơ bản được bảo đảm, nhất là về vệ sinh, an toàn; những người không may bị tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quan tâm, chăm lo và bảo đảm các chế độ.

Tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân lao động quý I/2023 là 7 triệu đồng/tháng, tăng hơn 600.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Người đứng đầu Chính phủ nhận định, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, năng động, chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh. Tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ý thức giác ngộ chính trị, trình độ công nhân không ngừng nâng lên, hình thành lớp công nhân trẻ được đào tạo bài bản, có tay nghề cao, hiểu biết pháp luật, luôn đổi mới sáng tạo, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng khẳng định, vai trò của Công đoàn các cấp tiếp tục được phát huy. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn chăm lo đời sống cho người lao động; chủ động kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều cơ chế, chính sách, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: "Chúng ta đang sống và làm việc trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo... đang làm gia tăng sức ép về cắt giảm giờ làm, việc làm, tác động trực tiếp đến người lao động".

Trong khi đó, một bộ phận người lao động tự do chưa có công ăn việc làm bền vững, nhiều lao động bị mất việc, giảm giờ làm nhất là hơn 2 năm dịch Covid-19 vừa qua, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất trên thế giới, thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của nước ta thu hẹp. Nhu cầu về nhà ở, các thiết chế cơ bản của công nhân, lao động chưa được đáp ứng theo yêu cầu.

Công nhân có vai trò rất quan trọng

Theo Thủ tướng, việc tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh, lao động tại nhiều cơ sở chưa nghiêm; bệnh nghề nghiệp còn diễn biến phức tạp; tình hình tai nạn lao động chưa được cải thiện, vẫn có những vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, nhất là ở các lĩnh vực xây dựng, điện, khai thác than, khoáng sản và sản xuất, chế biến gỗ, cơ khí luyện kim…

"Đảng, Nhà nước thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ với những vấn đề mà công nhân, người lao động phải đối mặt; đồng thời luôn quan tâm, ban hành những cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Khẳng định trong giai đoạn phát triển mới, giai cấp công nhân là một lực lượng xã hội to lớn với vai trò rất quan trọng. Để thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phát bền vững.

Tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và sinh kế cho người dân. 

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân. Bên cạnh đó, tập trung triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.

Ngoài sớm có giải pháp căn cơ nâng cao năng suất lao động quốc gia, đẩy mạnh phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, quan tâm tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người. 

Tăng cường nhận thức về tầm quan trọng và triển khai hiệu quả việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người lao động và người sử dụng lao động. Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, chủ động ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với lao động nữ. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cá nhân và gia đình người lao động...

Với tổ chức Công đoàn Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tổ chức Công đoàn cần tập trung chăm lo, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên; đại diện cho người lao động thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể; góp phần tích cực bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về lao động.

Thủ tướng phát động Tháng hành động an toàn vệ sinh, lao động 2023 - 2

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Quyết tâm kiểm soát tai nạn lao động

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, với mục tiêu tập trung cao nhất các nguồn lực để triển khai hiệu quả các hoạt động trong "Tháng Công nhân năm 2023", quyết tâm kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo vệ nguồn nhân lực là tài sản giá trị nhất của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia, hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.

Ông Nguyễn Đình Khang đề nghị các cấp, các ngành, các doanh nghiệp phối hợp với tổ chức Công đoàn và ngành Lao động Thương binh xã hội tổ chức tốt các hoạt động, thiết thực hưởng ứng, cụ thể hóa chủ đề "Kết nối công nhân - Xây dựng tổ chức" và "Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng nơi làm việc" của Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2023.

Thủ tướng phát động Tháng hành động an toàn vệ sinh, lao động 2023 - 3

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ thi đua cho các tập thể có thành tích xuất sắc.

Tại Lễ phát động, Ban Tổ chức đã trao 8 suất quà cho công nhân bị tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, mỗi suất gồm tiền mặt 5 triệu đồng và hiện vật trị giá 500.000 đồng.

Thủ tướng phát động Tháng hành động an toàn vệ sinh, lao động 2023 - 4

Nghi thức phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2023.

Tổng Liên đoàn tặng cờ thi đua cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào "Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động"; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng cờ thi đua cho 5 tập thể dẫn đầu phong trào thi đua về an toàn vệ sinh lao động năm 2022.

Năm 2023, với chủ đề "Kết nối công nhân - Xây dựng tổ chức", bên cạnh các hoạt động thường xuyên, các cấp Công đoàn tập trung triển khai 5 nhóm hoạt động trọng tâm.

Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động năm 2023 có chủ đề "Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc".

Trong Tháng hành động, trên toàn quốc sẽ diễn ra các hoạt động như: Đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về an toàn vệ sinh lao động; thăm nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động; tổ chức khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác an toàn vệ sinh lao động…