Thương mại điện tử 2024: Cạnh tranh đi cùng tăng trưởng

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Bức tranh thương mại điện tử Việt Nam 2024 đối diện nhiều bất định khi kinh tế toàn cầu biến động, trong nước ghi nhận sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lẫn những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cơ hội vẫn dành cho những ai linh hoạt và có khả năng thích nghi.

Thay đổi bên trong, cạnh tranh từ ngoài

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, năm 2023, ngành thương mại điện tử (TMĐT) dù ghi nhận mức tăng trưởng 25% so với cùng kỳ, song cũng chịu nhiều ảnh hưởng tới từ các yếu tố ngoại cảnh lẫn chủ quan, bao gồm: sự xuất hiện của nhiều "tay chơi" từ nước ngoài, tâm lý người tiêu dùng thay đổi, và cuối cùng là cuộc đua giữa các sàn TMĐT ngày càng gay gắt.

Thương mại điện tử 2024: Cạnh tranh đi cùng tăng trưởng - 1

Ngành TMĐT Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng từ yếu tố ngoại cảnh lẫn chủ quan (Ảnh: Shutterstock).

Trong đó, yếu tố then chốt và là tác nhân chính thúc đẩy sự cạnh tranh là sự chuyển dịch trong tâm lý mua sắm của người dùng. Cùng với sự bùng nổ của các mạng xã hội, người tiêu dùng hiện nay trở nên quyền lực hơn.

Giờ đây, người tiêu dùng không chỉ là người mua hàng, họ cũng đưa ra đánh giá về chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhận được, và tất cả những đánh giá này được phát tán ngay lập tức trên mạng xã hội. Do đó, họ ngày càng nâng cao mức kỳ vọng khi mua sắm và không muốn phải lựa chọn giữa giá cả, chất lượng và trải nghiệm mà họ muốn có tất cả.

Thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng chính là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp phải phát triển những chiến lược mới để tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.

Không chỉ là cuộc đua về giá, sự cạnh tranh của các sàn TMĐT đã mở rộng sang trải nghiệm khách hàng và cả mảng giao vận logistics. Hàng loạt tính năng "trendy" (xu hướng) được các sàn ứng dụng và đẩy mạnh để bắt nhịp xu hướng của người tiêu dùng: từ livestream, affiliate (liên kết), gamification (trò chơi hóa) hay mới đây là trào lưu về short-video…

Mảng giao vận logistics cũng được coi là vùng cạnh tranh mới khi đây là mắt xích quyết định đến trải nghiệm mua sắm liền mạch kể từ lúc đặt hàng cho đến khi nhận hàng của người dùng.

Bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt, TMĐT Việt Nam vẫn chứng kiến vài dấu hiệu cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong ngắn và trung hạn. Theo Metric, thị phần doanh thu của 5 sàn TMĐT tại Việt Nam so với tổng doanh thu toàn thị trường TMĐT B2C (Business to Customer) (doanh nghiệp với người tiêu dùng) đã tăng từ hơn 30% vào năm 2021 lên gần 50% vào năm 2023.

Sự thay đổi dễ nhận thấy nhất của người tiêu dùng là gia tăng tần suất mua sắm trên TMĐT. Theo một khảo sát do Lazada Việt Nam và Buzzmetrics thực hiện cuối năm 2023, 100% người tiêu dùng được hỏi đều có truy cập nền tảng TMĐT mỗi ngày, trong đó tần suất chủ yếu là 1-2 lần/ngày (chiếm khoảng 51%), và trên 3 lần/ngày (chiếm 48,5%).

Ngoài ra, họ cũng chốt đơn nhiều hơn khi có gần 40% người tiêu dùng mua sắm với số lượng từ 20 đơn hàng trở lên mỗi tháng, tương đương mỗi ngày một đơn. Đồng thời, tỷ lệ đóng góp tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) của những ngày bình thường trong năm (chiếm 81,9%) cao hơn so với tỷ lệ của những ngày chịu tác động của các đợt khuyến mãi (chiếm 18,1%), cho thấy mua sắm trên TMĐT giờ đây không chỉ giới hạn trong các dịp lễ lớn, mà người tiêu dùng xem TMĐT là kênh phục vụ nhu cầu mua sắm thường nhật của họ.

"Cửa sáng" nào cho các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT?

Với tất cả thách thức và cả tiềm năng nội tại, thị trường TMĐT Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, "cửa sáng" chỉ dành cho những ai chịu thay đổi và những doanh nghiệp trong ngành khi trụ lại đều phải có chiến lược bài bản.

Ngoài động thái tinh gọn bộ máy nhân sự, những "ông lớn" TMĐT cũng liên tục mở rộng và nâng cấp các tính năng để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Đơn cử có thể kể đến Lazada với những cải tiến về mặt công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng ở mọi "mắt xích", từ tìm kiếm cho đến nhận hàng. Ngoài một số công nghệ từng được giới thiệu trước đó như AIGC (Artificial Intelligence Generated Content) (nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra) hay công nghệ thực tế ảo VR nhằm gia tăng sự tương tác với khách hàng, giờ đây, Lazada còn ứng dụng AI để đa dạng hóa thông tin của sản phẩm.

Một trong số các tính năng mới được triển khai là ứng dụng AI để tạo ra một lượng lớn các câu hỏi thường gặp về sản phẩm, và sẽ được những người mua trước đó trả lời, qua đó cung cấp thêm nhiều thông tin thực tế cho người mua mới, đồng thời thúc đẩy quyết định mua hàng của họ.

Thương mại điện tử 2024: Cạnh tranh đi cùng tăng trưởng - 2

Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, tính năng mới này của Lazada đã tạo ra hơn 2,2 triệu câu hỏi và thu thập được hơn 1,5 triệu câu trả lời từ người mua thực tế (Ảnh: Lazada).

Riêng với các thương hiệu và nhà bán hàng, họ buộc phải linh hoạt hơn trong việc xây dựng chiến lược về giá, thiết kế các gói sản phẩm, bởi người tiêu dùng giờ đây coi trọng cả chất lượng lẫn giá cả hàng hóa.

Từ góc nhìn của nhiều chuyên gia trong ngành, TMĐT tại Việt Nam dù đối mặt những thách thức vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong 3 năm tới, bởi xu hướng dịch chuyển sang mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng khiến thương hiệu gia tăng đầu tư cho mua sắm online, sự cạnh tranh giữa các sàn có thể hỗ trợ mở rộng thị phần nhanh hơn.