Đào tạo vi mạch bán dẫn: Cần hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp

Trường Thịnh

(Dân trí) - PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho rằng, đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, nếu cùng quyết tâm thì có thể thành công.

Đào tạo vi mạch bán dẫn: Cần hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp - 1

Toàn cảnh hội thảo "Chương trình đào tạo cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030 - Thách thức và giải pháp" tổ chức ngày 26/4/2024.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Chiến lược Khoa học công nghệ tới năm 2030 xác định công nghiệp sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn là một trong những công nghệ lõi được định hướng trong thập kỷ tới. Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn cho Việt Nam tới năm 2030, trong đó nêu rõ tầm nhìn, mục tiêu, lộ trình, giải pháp, các  chính sách ưu tiên…

Đưa ra tham luận tại hội thảo "Chương trình đào tạo cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030 - Thách thức và giải pháp", PGS. TS. Nguyễn Ngọc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho biết, để theo đuổi lĩnh vực này, thầy và trò phải tâm huyết và dám đương đầu với thách thức, khó khăn. Nguồn nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn phải đào tạo bài bản và có đủ các phương tiện kỹ thuật về phần cứng và phần mềm.

Đào tạo vi mạch bán dẫn: Cần hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp - 2

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học CMC.

Không chỉ giỏi về phần cứng mà phải giỏi về phần mềm

Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho biết, bản thân các thầy cô trong lĩnh vực này phải được đào tạo để cập nhật các kiến thức mới nhất về công nghiệp vi mạch bán dẫn. Một câu hỏi mà người dạy phải trả lời là chip bán dẫn mà họ cùng sinh viên thiết kế, sẽ phục vụ cho lĩnh vực nào và phải nắm vững chuyên môn của các lĩnh vực đó. Mô hình đào tạo có thể đi theo 2 hướng: đào tạo từ đầu cho sinh viên hoặc theo hình thức văn bằng 2 cho những người đã có chuyên môn về điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin…

"Để trở thành chuyên gia thiết kế chip bán dẫn thì không chỉ giỏi về phần cứng mà phải giỏi về phần mềm. Sau khi thiết kế xong còn chế thử chip vi xử lý và lý tưởng nhất là Việt Nam phải có được nhà máy để làm công việc này. Đó là việc cần đến đầu tư của Chính phủ với số tiền có thể lên tới hàng chục tỷ USD", PGS. TS. Nguyễn Ngọc Bình phát biểu tại hội thảo.

Ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông tại Trường Đại học CMC

Sau khi Chính phủ công bố Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030, Tập đoàn Công nghệ CMC - một trong những tập đoàn công nghệ - viễn thông hàng đầu tại Việt Nam đã lên kế hoạch phát triển trong lĩnh vực gia công thiết kế vi mạch (IC Design).

Trong đó, Trường Đại học CMC sẽ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho Tập đoàn CMC nói riêng và ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam nói chung. Năm 2024, Trường Đại học CMC mở chương trình đào tạo ngành Công nghệ Điện tử - Viễn thông với các định hướng đào tạo: Thiết kế vi mạch bán dẫn (IC Design), Công nghệ Mạng và Truyền thông tiên tiến, Hệ thống nhúng và IoT..

Đào tạo vi mạch bán dẫn: Cần hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp - 3

Năm 2023, Trường Đại học CMC ký kết hợp tác với Tập đoàn Synopsys - một trong những đơn vị sản xuất chip hàng đầu tại Mỹ, nhằm đẩy mạnh đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn cho Việt Nam.

Tại lễ khai giảng năm học 2023-2024, Trường Đại học CMC và Synopsys - một trong những đơn vị sản xuất chip hàng đầu tại Mỹ, cũng đã ký kết một thỏa thuận hợp tác liên quan tới chương trình đào tạo. Theo đó, Synopsys sẽ cung cấp chương trình đào tạo theo chuẩn toàn cầu và đào tạo giảng viên theo công cụ và quy trình thiết kế chuẩn công nghiệp của Synopsys.

Đào tạo vi mạch bán dẫn: Cần hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp - 4

Hệ thống phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn của Synopsys phục vụ đào tạo Thiết kế vi mạch tại Trường Đại học CMC.

Sinh viên Trường Đại học CMC được thực hành tại các phòng thí nghiệm với trang thiết bị do Synopsys, Cadence cung cấp bản quyền. Ngoài ra, Synopsys kết nối Trường Đại học CMC hợp tác với các viện nghiên cứu, đại học và doanh nghiệp về thiết kế vi mạch lớn trên thế giới.

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông tại Trường Đại học CMC được thiết kế đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp hội Máy tính Hoa Kỳ (ACM), Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ của Mỹ (ABET). Ngoài ra, các môn học có sự chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia, quản lý cấp cao của Tập đoàn Công nghệ CMC, Samsung và các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và quốc tế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm