Nghỉ việc sau bao lâu, người lao động phải nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp?

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Bình (ở tỉnh Khánh Hòa) hỏi Trong thời hạn bao lâu tôi phải nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho tổ chức bảo hiểm xã hội? Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?

Nghỉ việc sau bao lâu, người lao động phải nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp? - 1

Bộ LĐ-TB&XH trả lời:

1. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người lao động có hiệu lực.

Trường hợp người lao động đã giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 và đang thực hiện hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho những người lao động này nếu thời hạn kết thúc hợp đồng còn ít nhất 03 tháng trở lên.

Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực đầu tiên mà khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực kế tiếp có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này.

2. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Phan Minh tổng hợp

Nghệ An: Chi gần 60 tỉ đồng giải quyết chế độ hưu trí

Thực hiện lộ trình về tinh giản biên chế, Nghệ An vừa quyết định chi gần 60 tỷ đồng để giải quyết chế độ về hưu sớm cho 679 công chức, viên chức tại 34 cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết 39/NQ-TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về tinh giản biên chế, tại Nghệ An đã có 34 cơ quan, đơn vị xây dựng đề án về nội dung này giai đoạn 2015-2016. Trong năm 2016, Nghệ An đã chi 59,85 tỷ đồng giải quyết chế độ cho 679 cán bộ thuộc diện tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, tỉnh này cũng chi 21,5 tỷ đồng giải quyết chế độ cho 326 cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong các cơ quan Đảng và chính quyền. Nghệ An dù được đánh giá là tỉnh nằm trong nhóm đầu của cả nước về thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế, tuy nhiên một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh chưa kiện toàn bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban; chưa xây dựng đề án vị trí việc làm cũng như đề án tinh giản biên chế.

H.L

Nơi khai báo bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?

Bạn Lê Hoà (Bình Dương) hỏi: Tôi là một công nhân ở KCN tại tỉnh Bình Dương và đã được công ty đóng BHXH, BHTN được hơn 4 năm. Nếu tôi xin nghỉ việc và xin về quê ở Thanh Hoá thì xin hỏi: Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở đâu? Việc khai báo tình trạng việc làm sau đó ở đâu?

Trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

- Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của bạn bao gồm:

+ Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: hợp đồng lao động, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Sổ bảo hiểm xã hội (Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động).

- Theo quy định tại Điều 52 Luật Việc làm thì trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; Trường hợp bất khả kháng. Nếu người lao động thuộc các trường hợp này thì phải thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, kể từ ngày ông/bà chấm dứt hợp đồng lao động, ông/bà có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa (nơi bạn muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp) và hằng tháng phải đến thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa theo các quy định nêu trên.

V.L