1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thái Nguyên: Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng trong thời gian tới

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Thái Nguyên, có 333 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 12/2016. Dự báo của Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên, số lượng người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.


Nhu cầu đăng ký BHTN ở Thái Nguyên sẽ tăng trong thời gian tới (ảnh minh hoạ)

Nhu cầu đăng ký BHTN ở Thái Nguyên sẽ tăng trong thời gian tới (ảnh minh hoạ)

Nhu cầu đăng ký BHTN sẽ tăng

Thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Thái Nguyên (Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên), trong số 333 lao động nghỉ việc tới đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nguyên nhân người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật lao động 2012 chiếm tới 92,7%.

Ngoài ra, nguyên nhân hết hạn hợp đồng, hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động chiếm 3,3 %; nguyên ngân doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu chiếm 2,4 %. Nguyên nhân do người lao động bị xử lý kỷ luật, sa thải theo quy định tại Điều 125 Bộ luật lao động 2012 chỉ chiếm 1,5 %.

Ông Nguyễn Thành Long - PGĐ Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên, cho biết: “Tới thời điểm hiện nay, công tác triển khai bảo hiểm thất nghiệp ở Thái Nguyên đang được triển khai thuận lợi về chính sách. Nhìn chung công tác bảo hiểm thất nghiệp tăng nhanh theo số doanh nghiệp. Trong xu thế, số người đăng ký trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng lên. Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên, mỗi năm số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng thêm khoảng 1.000 người”.

Ông Nguyễn Thành Long - PGĐ Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên, đánh giá công tác triển khai chính sách BHTN.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên, nguyên nhân chính là lao động ở các nơi khác có nhu cầu chuyển về địa phương. Ngoài ra, tình trạng nhảy việc nhiều cũng khiến số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng nhanh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Long cũng cho biết: Tình trạng nhảy việc chiếm số lượng không nhỏ trong các nguyên nhân dẫn tới việc đăng ký hưởng thất nghiệp chứ không đơn thuần do doanh nghiệp khó khan hay phá sản.

“Mức lương và môi trường làm việc của các doanh nghiệp có sự khác nhau. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều, người lao động tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn” - ông Nguyễn Thành Long nói.

“Các hoạt động hỗ trợ giúp người lao động trở lại thị trường rất tốt. Trung bình đưa được từ 25-30 % số lao động thất nghiệp trở lại thị trường lao động. Đây cũng là vấn đề được Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên chú trọng thông qua việc nâng cao chất lượng của công tác tư vấn, hướng nghiệp và kết nối thị trường cung - cầu lao động” - ông Nguyễn Thành Long cho biết.

Sẽ mở thêm điểm đăng ký BHTN

Đánh giá hoạt động trong năm 2016, Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên cho rằng, cả tỉnh hiện mới chỉ có 1 điểm đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi đó, tỉnh Thái Nguyên có tới 9 đơn vị hành chính. Nhiều nơi, người lao động phải đi từ 50-70 km mới tới được TT DVVL của Sở LĐ-TB&XH để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Việc tham gia khai báo tình hình lao động với cơ quan thực hiện bảo hiểm thất nghiệp khó khăn. Đây cũng là một nguyên nhân điều khiến lao động còn chưa tới nhiều với trung tâm dịch vụ việc làm.

“Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên đã đề nghị để mở thêm 1 điểm giao dịch ở thị xã Phổ Yên. Khu vực này chiếm tới 70 % số lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp trong tỉnh” - ông Nguyễn Thành Long nói.

Bên cạnh đó, công tác dạy nghề cho đối tượng đăng ký bảo hiểm thất nghiệp còn chưa được như kỳ vọng. Theo Sở LĐTB&XH Thái Nguyên, nhu cầu thực chất học nghề của người lao động để có nghề và quay trở lại thị trường chưa nhiều. Số lượng các nghề học chưa nhiều và số đăng ký đôi khi cũng quá ít, không đủ điều kiện kinh phí để mở lớp dạy.

“Trong một đợt cũng có vài chục người đăng ký học nấu ăn, sửa xe máy… Nhưng số lượng phân tán nên khó tổ chức lớp học” - ông Long cho biết thêm.

Hoàng Mạnh

TIN VẮN:

BHXH VN: Tập trung thực hiện 2 hệ thống CNTT lớn

Theo BHXH VN, năm 2016, ngành đã tập trung vào nhiều dự án công nghệ thông tin, trong đó có 2 dự án có sức ảnh hưởng lớn đến quá trình hiện đại hóa của Ngành, đó là: Hệ thống kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để cung cấp; Hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT.

Trong đó, hệ thống kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để cung cấp tra cứu dữ liệu thẻ BHYT và giám định chi phí KCB BHYT phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ KCB BHYT, tạo thuận lợi cho cơ sở y tế và người có thẻ BHYT đến KCB. Với hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, đây là nền tảng hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT. Hệ thống này đã được BHXH Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và chính quyền các địa phương tập trung phối hợp xây dựng. Đến nay, cả nước đã thu thập và nhập thông tin của trên 24,2 triệu hộ gia đình, cơ bản đạt tỷ lệ 100% dân số cả nước và đồng bộ dữ liệu cấp thẻ BHYT cho 65,7 triệu người.

H.M

TP.HCM đề nghị cấp BHYT trọn đời cho người khuyết tật nặng

Cấp BHYT trọn đời cho người khuyết tật nặng là một đề xuất rất thiết thực từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM. Theo đó, việc cấp BHYT hàng năm và năm nào cũng phải cấp sẽ được chuyển sang cấp BHYT trọn đời cho người khuyết tật nặng. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, người khuyết tật đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình đơn chiếc và gặp khó trong việc đi lại. Hiện người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đều được cấp thẻ BHYT. Riêng người khuyết tật nhẹ chưa được hỗ trợ cấp thẻ BHYT mà phải tự mua. Hiện TP.HCM có khoảng 37.000 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đã được cấp thẻ BHYT.

Theo VTV

Cắt giảm thủ tục hành chính trong ngành BHXH

Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đóc BHXH VN, công tác cải cách hành chính thời năm 2016 đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ngành được cắt giảm xuống còn 32 thủ tục (giảm 01 thủ tục so với thời điểm cuối năm 2015), thành phần hồ sơ giảm 38%; tiêu thức tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 54%. “Vì thế, đến cuối năm 2016, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp đã tiếp tục giảm mạnh so với năm 2015 được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành trong và ngoài nước đánh giá, ghi nhận” - ông Phạm Lương Sơn nói. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thuế trong việc trao đổi thông tin, mã số thuế và thống nhất việc doanh nghiệp dùng chữ ký số chung để giao dịch; chuẩn bị các điều kiện để sử dụng mã số doanh nghiệp trong đăng ký doanh nghiệp, khai thuế và khai BHXH. Đồng thời, ngành BHXH còn phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam trong việc thu thập, rà soát, nhập và đồng bộ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT.

P.M