An toàn lao động:
Nghỉ 30 phút/ngày khi “đèn đỏ”: Thưa sếp, em đến muộn...!!!
Ngày 15/11, Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định về thời gian nghỉ ngơi của lao động nữ có hiệu lực. Bên cạnh nội dung cũ: Lao động nữ được nghỉ 30 phút/ngày trong những ngày hành kinh, Nghị định bổ sung việc nghỉ đó “tối thiểu 3 ngày”. Quy định nhân văn, nhưng việc triển khai sẽ ra sao?
Vấn đề được nhiều bạn đọc trên cộng đồng mạng xoáy sâu vào là doanh nghiệp sẽ thực hiện quản trị thời gian "30 phút và tối thiểu 3 ngày/tháng" này ra sao để vừa giúp lao động nữ xử lý chuyện nhạy cảm, vừa đảm bảo năng suất lao động. Đồng thời, giải quyết chuyện tế nhị của lao động nữ khi bày tỏ “nỗi niềm”.
Ngại hay sợ mất việc?
Đã 28 tuổi và làm công việc văn phòng, nhưng chị Nguyễn Thị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn mệt mỏi khi những ngày bị “đèn đỏ”. Nếu những hôm đó bắt đầu vào thứ 7 hoặc chủ nhật, chị Nguyễn Thị Hoa sẽ vui mừng hơn được ở nhà. Còn vào ngày thường, chị Hoa vẫn phải có chịu để đi làm.
“Những ngày đó, cơ thể tôi mất một lượng máu nhất định. Tôi đi xe máy hay leo cầu thang đều thấy chóng mặt. Người mệt mỏi mỗi buổi sáng khiến ngại đến cơ quan” - Chị Nguyễn Thị Hoa tâm sự.
Cũng ngang tầm tuổi với chị Nguyễn Thị Hoa, nhưng chị Lê Kim Nhung (Tiên Du, Bắc Ninh) làm công việc phụ vữa cho đội thợ xây dựng tư nhân được 2 năm nay. “Cũng may, cơ thể tôi khỏe nên dễ vượt qua những ngày “đèn đỏ". Mà không vượt cũng chả được, lương công nhật 200.000 đồng không làm chủ kêu ngay”.
Khi được hỏi quy định có hiệu lực từ 15/11 về việc, lao động nữ được nghỉ 30 phút/ngày và tối thiểu 3 ngày trong tháng khi bị hành kinh, 2 chị Nguyễn Thị Hoa và Lê Kim Nhung đều chưa biết và bày tỏ suy nghĩ riêng.
Chị Lê Kim Nhung dự đoán, quy định trên chỉ thực sự áp dụng được ở những doanh nghiệp có ký hợp đồng lao động lâu dài. “Chỗ tôi, bảo hiểm xã hội còn chưa biết là gì, nên việc nghỉ 30 vì “đèn đỏ” là xa xỉ”. Đồng tình với chị Nhung, nhưng chị Nguyễn Thị Hoa lại có một lý lẽ khác.
“Sếp trực tiếp của tôi là nam giới chưa vợ, trẻ hơn tôi mấy tuổi. Những ngày “đèn đỏ” mà cứ gọi điện thoại báo xin sếp đến muộn 30 phút vì lý do đó thì ngại quá. Nhắn tin thì chữ còn lưu trên điện thoại. Tháng này đúng “hẹn”, tháng sau “lịch” nhanh hoặc chậm, nhỡ sếp không hiểu tưởng lại tưởng lãn công thì gay go” - chị Hoa tâm sự.
Doanh nghiệp có ngàn lao động nữ - tính sao!
Trao đổi vấn đề này với một số doanh nghiệp, PV Dân trí nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Ông Nguyễn Tuấn Ngọc - Phó giám đốc Công ty Thăng Long (Hải Phòng) - cho biết: “Tôi đang quản lý gần 10 nữ nhân viên từ 23 đến 35 tuổi. Quả thực vấn đề này tôi chưa từng thấy ai đề cập. Nếu có, tôi sẵn sàng cho họ nghỉ vài tiếng đồng hồ chứ không chỉ 30 phút”.
Khi được hỏi, nếu nhân viên nói bị “đèn đỏ” liên tục hơn 3 ngày để đến muộn thì công ty quản trị ra sao? Anh Nguyễn Tuấn Ngọc chia sẻ: “Nếu họ thực sự ốm, tôi sẽ tạo điều kiện hết sức. Còn gian dối để làm việc khác hoặc lười biếng, công ty không thiếu cách xử lý”.
Trong khi đó, chị Mai Kim Chung - Trưởng phòng nhân sự một chi nhánh ngân hàng TMCP tại Hà Nội tâm sự: “Cũng là phụ nữ, tôi hiểu chị em khó khăn ra sao trong những ngày “đèn đỏ”. Nhiều người vẫn làm việc nhưng năng suất chỉ bằng 70-80 % ngày thường”.
Chị Mai Kim Chung cho biết, lao động nữ đều biết về quy định được nghỉ 30 phút trong ngày “đèn đỏ”, nhưng có tâm lý ngại nói ra nên cố nén nhịn. "Bởi vậy, quy định có từ lâu, doanh nghiệp đông lao động nữ nhưng hãn hữu mới được áp dụng".
Trong khi đó, ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Câu chuyện "nghỉ 30 phút và tối thiểu 3 ngày/tháng" lại được doanh nghiệp quản trị khá kỹ với mục đích không làm giảm năng suất lao động.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty may Hưng Yên: Doanh nghiệp dệt may, lắp ráp điện tử có thể sử dụng tới hàng trăm hoặc vài chục ngàn lao động. Trong đó, quy trình sản xuất dây chuyền đòi hỏi mỗi lao động thực hiện 1 công đoạn.
“Sản xuất dây chuyền quy mô lớn, nếu không bố trí khoa học thời gian nghỉ ngơi và làm việc, người lao động có thể tự tiện ra khỏi dây chuyền đang sản xuất, ảnh hưởng tới năng suất lao động của cả trăm lao động khác do phải dừng lại. Điều này đồng nghĩa với việc ảnh hưởng tới nồi cơm của người lao động” - ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Để xử lý nhịp nhàng, vị Chủ tịch của hệ thống dệt may với 14.000 lao động (trong đó nữ chiếm gần 80%), giải thích: Quy định luật nói “một ngày có 30 phút” nên hiểu thêm đầy đủ là còn tùy thuộc vào điều kiện sản xuất và việc lựa chọn của lao động nữ và doanh nghiệp.
“Trong các doanh nghiệp của chúng tôi, việc nghỉ “30 phút” của lao động nữ được bố trí vào giờ nghỉ ăn trưa. Về cơ bản, không có vấn đề gì với sức khỏe phụ nữ.
Trong thời gian đó, chúng tôi vẫn đảm bảo trả lương 30 phút theo quy định của Luật lao động. Giả sử, một ngày lương của lao động là 200.000 đồng với 8 giờ làm việc. Như vậy, 1 giờ là 25.000 đồng và 30 phút (1/2 giờ) là 12.500 đồng. Ngày lương đó sẽ là 8 giờ + 1/2 giờ = 212.500 đồng.
Với quy định trên, cuối tháng doanh nghiệp sẽ cộng đồng thời gian 30 phút x 3 lần (12.500 đồng x 3) để tính vào lương tháng cho lao động nữ.
Tất nhiên, tùy theo cơ địa của người lao động nữ để có thể bố trí nghỉ chứ không có nghĩa là bắt bẻ từng câu chữ của quy định 30 phút” - ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Hoàng Mạnh
TIN LIÊN QUAN:
Nam Định: Tập huấn cho 100% an toàn vệ sinh viên ngành điện lực
Từ 4-5/8, Công ty Điện lực Nam Định đã tổ chức lớp tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên các đơn vị thành viên.
Tham gia lớp tập huấn là hàng chục cán bộ, công nhân viên tại các điện lực, phân xưởng sản xuất, chủ tịch Công đoàn và các an toàn vệ sinh viên tại các đơn vị thành viên. Giảng viên lớp tập huấn là các cán bộ chuyên trách có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác an toàn vệ sinh lao động của Công ty. Chương trình tập huấn tập trung vào các nội dung chính, như: Những thông tư liên bộ của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế về tổ chức thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động trong các cơ sở lao động; quy trình an toàn điện; trách nhiệm của Kỹ thuật viên an toàn chuyên trách, của đội trưởng - đội phó an toàn vệ sinh viên trong công tác an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở ….
Đ.T
LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa: tập huấn công tác An toàn vệ sinh lao động năm 2015
Từ 24 - 25/8, liên đoàn LĐ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác BVMT và an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2015. Hội nghị thu hút 120 đại biểu là cán bộ công đoàn chủ chốt của công đoàn ngành, LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, cán bộ công đoàn cơ sở, cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ, các an toàn vệ sinh viên (ATVSV) trong các doanh nghiệp.
Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được giảng viên truyền đạt những kiến thức cơ bản về: Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn; Nhiệm vụ của Công đoàn cơ sở trong công tác an toàn vệ sinh lao động; Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015; Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động của công đoàn…Lớp tập huấn đã được tổ chức thành công và thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, phương pháp hoạt động về công tác an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường trong các đơn vị, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
G.H
Ngành công thương: Tăng cường công tác phòng chống cháy nổ
Ngày 31/8, Hội nghị sơ kết công tác an toàn, phòng chống cháy nổ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015. Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: Toàn ngành vẫn để xảy ra 6 vụ cháy nổ, 342 vụ tai nạn lao động làm 346 người bị tai nạn lao động, trong đó có 21 vụ tai nạn lao động làm chết 21 người. Số vụ cháy nổ từ các chợ, trung tâm thương mại là 8 vụ, ước tính thiệt hại khoảng 8 tỉ đồng.
Một số đơn vị chưa ban hành đủ quy trình vận hành an toàn đối với thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt theo quy định, công tác huấn luyện ATVSLĐ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Một số đơn vị còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện công tác huấn luyện về AT-PCCN, chất lượng huấn luyện còn chưa sát thực tế yêu cầu. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ còn thiếu nhiều, cần đẩy mạnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn gia tăng là do nhận thức về công tác AT-PCCN của đội ngũ quản lý chưa tốt, công tác giám sát kiểm tra, thanh tra chưa sát sao …
P.Q
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục vụ bục túi nước hầm lò ở Quảng Ninh
Thủ tướng chỉ đạo TKV phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tập trung công tác khắc phục hậu quả, huy động lực lượng tìm kiếm người còn mất tích của vụ tai nạn vụ tai nạn tại khai trường Than Thành Công thuộc Công ty Than Hòn Gai hôm 20/8. Theo đó, rạng sáng 20/8, tại lò dọc - 95 khai trường Than Thành Công, thuộc Công ty Than Hòn Gai - TKV xảy ra vụ tai nạn bục túi nước làm 1 người chết, 1 người còn mất tích, nhiều người bị thương.
Công văn của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, huy động các lực lượng khẩn trương tìm kiếm người còn đang bị mất tích; kịp thời cấp cứu những người bị thương; hỗ trợ tổ chức an táng chu đáo người bị thiệt mạng; đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên đối với thân nhân, gia đình có người bị nạn. Đồng thời, TKV rà soát kiểm tra toàn bộ các mỏ để có giải pháp kịp thời không để xảy ra các trường hợp tương tự.
H.V