1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động nữ mang thai: Có quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn HĐLĐ

(Dân trí) - “Trường hợp lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động…”.

Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được Nhà nước hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được Nhà nước hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Đây là một nội dung trong Nghị định số 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về chính sách đối với lao động nữ, vừa được Chính phủ ban hành. Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 15/11/2015.

Theo đó, lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

Nghị định 85/2015NĐ-CP cũng quy định thời hạn báo trước để đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

Trong trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ.

"Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động" - Trích nội dung Nghị định 85/2015/NĐ-CP

Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định thời gian nghỉ của lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi: Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi; thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.

Nghị định cũng khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Với người sử dụng lao động có tuyển dụng lao động nữ vào làm việc, Nghị định 85/2015/NĐ-CP khuyến việc ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; thực hiện các chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.

Người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được Nhà nước hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính.

Nghị định 85/2015/NĐ-CP cũng quy định rõ các khái niệm:

“Người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ” là người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Sử dụng từ 10 đến dưới 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 50% trở lên so với tổng số lao động;

- Sử dụng từ trên 100 đến dưới 1.000 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 30% trở lên so với tổng số lao động;

- Sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên.

“Nơi có nhiều lao động nữ” được xác định như sau:

- Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (gọi tắt là khu công nghiệp) có từ 5.000 lao động nữ trở lên đang làm việc trong các doanh nghiệp và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn khu công nghiệp;

- Xã, phường, thị trấn có từ 3.000 lao động nữ trở lên đăng kí hộ khẩu thường trú hoặc đăng kí tạm trú tại xã, phường, thị trấn đó.

Hoàng Mạnh