Nghề khóc thuê, "thợ" khóc dập đầu 500 lần/ngày, quỳ đến chai gối
(Dân trí) - Bà Võ Huệ Hà, một người làm nghề khóc thuê ở Trung Quốc, kể bà phải dập đầu ít nhất 500 lần mỗi đám tang, quỳ lạy đến mức đầu gối chai sần để đổi lại thu nhập nhiều người mơ ước.
Quá khứ nghèo khó
Bà Võ Huệ Hà (SN 1970, ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) là người chuyên làm nghề khóc thuê - một công việc phục vụ cho tang lễ theo nghi thức truyền thống.
Trong mắt nhiều người, đó là công việc kỳ lạ, thậm chí có phần ghê rợn. Nhưng với bà Hà, khóc thuê thực sự là con đường duy nhất giúp bà thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.

Bà Hà hành nghề khóc thuê tại một đám tang ở quê nhà (Ảnh: Sohu).
Sinh ra tại một làng quê nghèo, Võ Huệ Hà không được học hành đến nơi đến chốn, từ nhỏ đã phải phụ giúp cha mẹ làm đồng, chăm sóc các em.
Gia đình bà sống chủ yếu nhờ vài sào ruộng, cuộc sống luôn trong cảnh thiếu thốn. Bà cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ tư tưởng "trọng nam khinh nữ", khi cha mẹ chỉ mong con gái sớm lấy chồng để có sính lễ nhằm lo cho các em trai.
16 tuổi, bà Hà bị ép gả và lần lượt sinh 3 người con. Tuy nhiên, cuộc sống làm dâu cũng không khá hơn khi mẹ chồng bệnh nặng, kinh tế gia đình kiệt quệ. Vợ chồng bà muốn đi làm thuê xa nhưng không thể vì phải ở nhà chăm sóc mẹ già bệnh tật.

Từ cảnh nghèo khó, bà Hà đã bứt lên, có thể nuôi cả gia đình nhờ nghề khóc thuê (Ảnh: Sohu).
Mọi thứ trở nên khó khăn hơn khi bà Hà bước sang tuổi 47, mẹ chồng trở bệnh nặng hơn, mỗi tháng phải chi nhiều tiền mua thuốc thang. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt và học hành cho con của bà Hà ngày càng tăng. Không ai trong họ hàng dám cho gia đình bà vay tiền, bởi ai cũng biết "cho vay là một đi không trở lại".
Trong lúc bế tắc, một người bạn đề xuất bà thử đi khóc thuê, vì chỉ cần khóc nửa buổi là có thể kiếm thu nhập bằng đi làm nông hàng chục ngày. Gợi ý bâng quơ đó trở thành lối thoát cho bà Hà.
Biết chắc sẽ bị phản đối, nhưng bà vẫn mạnh dạn bàn bạc với chồng. Ngay khi nghe bà Hà nói, chồng bà đã tỏ ra lạnh nhạt, con gái thậm chí nổi giận, còn mẹ chồng thì trách móc
"Tao còn sống đây mà mày đã tính chuyện khóc thuê rồi à?", mẹ chồng quát mắng.
Dù vậy, bà Hà vẫn kiên định. Bà nhẹ nhàng thuyết phục: "Nếu không làm được thì tôi sẽ quay về". Trước sự quyết tâm của vợ, chồng bà cuối cùng cũng đồng ý.
Nghề bán nước mắt
Bà Hà bắt đầu theo học những người đi trước trong nghề, học cách thể hiện cảm xúc, thuộc lời tiễn biệt người khuất, luyện kỹ thuật lấy hơi và điều tiết nước mắt. Những ngày đầu đi làm, bà run rẩy, nhiều lần suýt không khóc nổi. Nhưng nhờ được giúp đỡ, bà dần quen nghề và ngày càng thể hiện cảm xúc tốt hơn.

Bà Hà còn truyền nghề lại cho nhiều người khác (Ảnh: Sohu).
Bà làm việc không ngơi nghỉ. Mỗi lần nhận việc, bà thực hiện khoảng 500 lần cúi lạy, đồng nghĩa với việc mỗi năm bà phải quỳ lạy hàng chục nghìn lần. Đầu gối bà chai sần, giọng thường xuyên khản đặc, nhưng đổi lại, bà có mức thu nhập ổn định. Trung bình, bà kiếm được khoảng 500-700 NDT/đám tang (tương đương với 1,7-2,4 triệu đồng), có khi còn được thưởng thêm.
Số tiền kiếm được vượt xa thu nhập của nhiều lao động trong làng, giúp bà lo thuốc thang, chạy chữa cho mẹ chồng, nuôi con ăn học và thậm chí mua được xe, cải tạo lại căn nhà cũ.
Thời gian đầu, không ít người trong làng kỳ thị, xa lánh bà. Ngay cả người thân cũng từng khuyên bà nên bỏ nghề.

Bà Hà khóc và quỳ nhiều đến nỗi giọng khản đặc, đầu gối chai sần (Ảnh: Sohu).
"Tôi không ăn cắp, không lừa đảo, đây là công việc tôi dùng công sức, nước mắt kiếm cơm", bà quả quyết.
Dù công việc mệt nhọc, áp lực tâm lý lớn, nhưng bà Hà chưa từng nghĩ đến chuyện từ bỏ. Với bà, nghề khóc thuê không chỉ là cách kiếm sống mà còn là sự an ủi cuối cùng dành cho người đã khuất, giúp thân nhân nguôi ngoai nỗi đau.
Giờ đây, những người từng chê bai bà lại đến xin học nghề. Bà Hà cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm.
"Đôi khi chỉ một giọt nước mắt đúng lúc cũng có thể đổi cả số phận của một gia đình", bà Hà chiêm nghiệm.